Khát vọng xanh trên đất Bình Định
Giữa cái nắng oi bức của mùa hè, dọc hai bên đường hướng về Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân… là những cánh đồng lúa xanh mướt trải dài đến tận chân trời. Xen lẫn là những ruộng đậu phụng tươi tốt và các loại rau màu khác. Khung cảnh trù phú này là minh chứng sinh động cho khát vọng xanh đang dần được hiện thực hóa ở Bình Định.
Chuyển biến từ ý thức nông dân
Cầm trên tay chùm đậu phụng trĩu nặng vừa thu hoạch, ông Nguyễn Công Bình ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát) khoe: “1 sào đậu phụng ngày trước lãi tầm 10 triệu đồng, giờ có thể đạt từ 40 - 50 triệu đồng. Tất cả là nhờ dùng giống mới, áp dụng kỹ thuật mới và tiêu chuẩn VietGAP đấy cô ạ. Nhưng đó chưa phải là tất cả, từ ngày chuyển sang canh tác hữu cơ, sức khỏe tôi cải thiện hẳn, giảm lo lắng bệnh tật vì hóa chất. Không chỉ mình tôi, mà con cháu, hàng xóm cũng yên tâm hơn với sản phẩm sạch, an toàn mà chúng tôi làm ra”.
Câu chuyện của ông Bình không phải là cá biệt, nó khá phổ biến ở Bình Định, phản ánh bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành nông nghiệp cả tỉnh nói chung và ở riêng huyện Phù Cát. Xã Cát Hải của huyện Phù Cát là minh chứng rõ ràng nhất. Từ một vùng quê nghèo khó, khô cằn, thiếu nước, cả năm chỉ làm được một vụ lúa mà vẫn bấp bênh, Cát Hải nay đã khoác lên mình tấm áo xanh tươi nhờ cây đậu phụng. Đậu phụng trở thành “cây làm giàu” của người dân nơi đây.
Đổi thay ở Cát Hải không phải là phép màu, mà là kết quả của chính sách đúng đắn của tỉnh về chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, cùng với nỗ lực của bà con nông dân nhạy bén tiếp cận công nghệ và KHKT mới, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, từ giống mới cho đến hệ thống tưới tiên tiến. Điều này giúp Cát Hải chuyển đổi thành công các vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phụng.
Dạo một vòng từ Tuy Phước, An Nhơn đến Hoài Nhơn và Hoài Ân, khắp nơi đều là những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn. Tại mô hình sản xuất lúa hữu cơ đầu tiên của tỉnh nằm ở xã Ân Tín (huyện Hoài Ân), ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ân Tín, chia sẻ: Canh tác lúa hữu cơ là con đường chúng tôi chọn để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững. Mặc dù gặp nhiều thách thức ban đầu, nhưng kết quả đạt được vượt xa mong đợi. Không chỉ cải thiện năng suất và chất lượng lúa, mô hình còn góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Hy vọng mô hình có thể phát triển mạnh, đưa Bình Định trở thành điểm sáng về sản xuất lúa hữu cơ.
Những cánh đồng lúa hữu cơ bội thu tại xã Ân Tín (Hoài Ân). Ảnh: H.H
Bên cạnh đó, phong trào sử dụng phân bón hữu cơ sinh học trong canh tác lúa theo hướng bền vững cũng đang phát triển trên toàn tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Sinh, nông dân xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), bộc bạch: “Nhờ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, đất đai giờ màu mỡ hơn rồi, cả cỏ mọc nhiều cũng không làm chúng tôi lo lắng nữa. Đối với nông dân như chúng tôi, việc thấy cỏ mà không phải lo lắng là điều lạ lắm. Thật vậy đó, cỏ mọc nhiều chứng tỏ là đất đang khỏe mạnh, tự cân bằng được và chúng tôi không cần can thiệp nhiều như trước nữa”.
Những kết quả trên là hiện thực hóa của mục tiêu nông nghiệp thông minh, bền vững và thân thiện môi trường đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng chính của tỉnh.
Thời gian qua, ngoài tích cực áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như: Mô hình “3 giảm, 3 tăng”, canh tác lúa cải tiến (SRI), kiểm soát sâu bệnh tổng hợp (IPM), sản xuất lúa hữu cơ…, tỉnh Bình Định còn chú trọng xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thúc đẩy liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao như: Mở rộng sử dụng drone trong canh tác, ứng dụng internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý sản xuất nông nghiệp. Các chính sách này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tài nguyên đất. Câu chuyện của ông Sinh đã phản ánh rõ về sự thay đổi tích cực trong nhận thức của nông dân về canh tác hữu cơ. Họ không chỉ nhìn thấy lợi ích kinh tế trước mắt mà còn hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thiết bị nhận diện và cảnh báo côn trùng có tích hợp công nghệ internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo triển khai tại xã Phước Sơn (Tuy Phước). Ảnh: H.H
Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất
Một lợi thế lớn của Bình Định là có Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) đứng chân hoạt động trên địa bàn. Viện đã nghiên cứu nhiều giống lúa mới như BĐR36, BĐR39, BĐR57, BĐR79, BĐR97, ANS1, BĐR999. Điểm chung các giống lúa này là có năng suất cao, kháng sâu bệnh, chống chịu biến đổi khí hậu và đặc biệt là thích ứng với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.
Đối với đậu phụng, ASISOV đã nghiên cứu thành công 2 giống đậu LDH.01 phục vụ ép dầu, chế biến dầu ăn và LDH.09 phục vụ ăn tươi, góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Đồng thời, ASISOV còn chọn tạo thành công nhiều giống hoa màu khác như bí đỏ, dưa lưới, dưa leo…, gần đây là nghiên cứu thành công quy trình nhân giống hành tím bằng hạt. Đặc biệt, ASISOV đã chọn tạo được 5 giống lúa gạo màu có chu kỳ sinh trưởng ngắn và không phản ứng với ánh sáng, cho phép nông dân có thể canh tác quanh năm. Điều này đã khẳng định tiềm năng và năng lực của đơn vị trong nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng nông nghiệp tại Bình Định.
Niềm vui của nông dân xã Cát Hải (Phù Cát) được mùa đậu phụng. Ảnh: H.H
Có thể khẳng định bức tranh nông nghiệp Bình Định đang thêm nhiều mảng sáng, đặc biệt là xu hướng phát triển nông nghiệp du lịch. Có mặt tại làng rau Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn vào đầu giờ chiều, khi nông dân đang hối hả thu hoạch rau để bán cho thương lái, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp các du khách đang hào hứng trải nghiệm công việc đồng áng.
Ông Nguyễn Văn Nhàn, ở thị trấn Phú Phong, tâm sự: “Nông dân chúng tôi là những người dễ thấy nhất đối với sự thay đổi tích cực của ngành nông nghiệp tỉnh. Bằng chứng rõ nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, trong khi nhiều ngành nghề khác gặp khó khăn, chúng tôi vẫn ổn định, thậm chí có nơi còn được mùa hơn. Lý do đơn giản thôi, vì chúng tôi ở nhà không làm việc khác được, nên tập trung hết tâm sức vào việc cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng. Không chỉ vậy, chúng tôi còn tập làm du lịch nông nghiệp nữa đấy. Khách du lịch về đây, họ được trải nghiệm cuộc sống nông dân thực sự. Buổi sáng, họ cùng chúng tôi ra đồng tưới rau, nhổ đậu. Đến tối, chúng tôi cùng nhau trò chuyện, vui chơi, thư giãn. Dù còn mới mẻ, hoạt động này hứa hẹn trở thành nguồn thu nhập bổ sung cho nông dân trong tương lai”.
Những kết quả trên đã minh chứng rõ quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc thúc đẩy chuyển đổi số. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Ngành nông nghiệp Bình Định đang quyết tâm triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số. Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, thể hiện rõ cam kết của ngành trong việc đưa công nghệ số vào mọi khía cạnh của sản xuất nông nghiệp.
Tuy vậy, để hiện thực hóa mục tiêu nông nghiệp xanh một cách toàn diện, Bình Định cần mở rộng quy mô sản xuất hữu cơ, đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, phát triển chuỗi giá trị và thương hiệu, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân và DN đầu tư vào nông nghiệp xanh, bền vững…
THÁI THỊ HỒNG HÀ