Ðể trẻ em được an toàn trên không gian mạng
Xâm hại trẻ em trên không gian mạng ngày càng phổ biến, gây nhiều hệ lụy. Trong đó, gây bức xúc nhất là từ mạng xã hội dẫn đến xâm hại tình dục trẻ em.
Trong một bài viết công bố năm 2023, Th.S Nguyễn Phương Thảo và Th.S Hà Ngọc Quỳnh Anh (Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh) đã nêu 3 hành vi xâm hại tình dục trẻ em qua mạng phổ biến nhất, bao gồm: Hứa cho tiền hoặc quà để ép trẻ em tham gia vào các hoạt động tình dục; đe dọa, ép buộc trẻ em tham gia vào các hoạt động này; chia sẻ hình ảnh nhạy cảm của trẻ em khi chưa được sự cho phép của trẻ, chủ yếu trên Facebook và Instagram.
Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH TP Quy Nhơn, UBND phường Đống Đa phối hợp tổ chức truyền thông về kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh Trường THCS Đống Đa, trong đó có các thông tin cần thiết để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ảnh: NGUYỄN NGUYỆT
Khi được hỏi về tình trạng xâm hại trẻ em trên không gian mạng, phần lớn phụ huynh có con em là học sinh THCS, THPT tại TP Quy Nhơn đều không biết cụ thể ra sao, hoặc chỉ biết phần nào đó; có người còn cho rằng chuyện này chưa có gì nghiêm trọng để họ quan tâm nhắc nhở con mình.
Chị Phạm Thị Minh Nguyệt (ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Tôi có hai con gái đang học cấp tiểu học, THCS, thấy lo khi đọc thông tin trên báo chí về một số vụ việc xâm hại trẻ em bắt nguồn từ mạng xã hội. Tôi chưa biết sẽ khuyên nhủ con cụ thể như thế nào để đảm bảo an toàn khi con đến lúc thích dùng mạng xã hội…”.
Theo em T.T.T (15 tuổi, ở TP Quy Nhơn), nhà trường có tuyên truyền, giáo dục về giới tính, cách nhận biết, đối phó những trường hợp lừa đảo, dụ dỗ, xâm hại tình dục qua mạng…, nhưng thực tế vẫn diễn biến phức tạp. “Hồi em học lớp 9, từng có trường hợp nữ sinh gửi ảnh “riêng tư” qua mạng cho “người yêu” nhưng bị để lộ ra ngoài. Cũng có bạn tìm cách “dụ” bạn lớp khác gửi ảnh nhạy cảm qua mạng cho mình xem, hứa sẽ giữ bí mật… nhưng sau đó lại cho nhiều bạn cùng lớp mình xem chung, thậm chí chia sẻ hình ảnh ra bên ngoài”, em T. cho biết.
Cũng theo em T., trên mạng xã hội hiện nay có những người chuyên dụ dỗ học sinh (cả nam và nữ) thiếu hiểu biết tham gia các hội, nhóm kín, “bán” ảnh hoặc video clip nhạy cảm để đăng trên mạng lấy tiền tiêu xài. Nghiêm trọng hơn, thời gian qua, lực lượng CA trên địa bàn tỉnh đã xử lý nhiều vụ các bé gái vị thành niên bị các đối tượng thông qua mạng xã hội làm quen, dụ dỗ, xâm hại tình dục.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện theo Công văn số 2886/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 19.7.2024 của Bộ TT&TT về việc hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng.
Theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần ưu tiên như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; triển khai các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy gia đình, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên… chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
Tại Diễn đàn Trẻ em tỉnh năm 2024 do Sở LĐ-TB&XH và Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức ngày 14.8, trả lời câu hỏi của một em học sinh về làm thế nào để sử dụng mạng xã hội an toàn, ông Phạm Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở TT&TT, cho biết hiện các ngành TT&TT, GD&ĐT, LĐ-TB&XH có nhiều tài liệu biên soạn để khuyến cáo, hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội an toàn.
“Học sinh không vào các trang mạng xã hội có thông tin xấu, độc; đặc biệt không nên chia sẻ các thông tin cá nhân của mình trên mạng xã hội để các đối tượng lợi dụng tìm hiểu, thực hiện các mục đích xấu. Các em còn nhỏ, chưa thể nhận biết rõ các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội, nên cần có sự trao đổi, chia sẻ với cha mẹ, thầy cô. Qua đó, sử dụng mạng xã hội an toàn, thông minh”, ông Thái khuyên.
HOÀI THU