Bất chấp nguy hiểm, cố tình đi lại trên cầu hư hỏng nặng
Cầu Bình Long bắc qua sông Hà Thanh nối liền 4 thôn An Long 1, An Long 2, Bình Long và Tăng Hòa (xã Canh Vinh, huyện Vân Canh). Cầu dài 180 m, được xây dựng từ năm 2002 phục vụ cho hàng trăm hộ dân ở xã Canh Vinh qua lại mỗi ngày. Qua gần 22 năm sử dụng và chịu ảnh hưởng của các đợt mưa lũ, hiện cây cầu này đã hư hỏng nặng.
Theo ghi nhận của phóng viên, cầu bị sụt lún 5 nhịp, trụ cầu sụt lún nhiều nhất khoảng 1,5 m. Nhiều vị trí lan can hai bên có hiện tượng đứt gãy, các vị trí tiếp giáp giữa 2 nhịp cầu hở ra từ 5 - 15 cm, có thể sập bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm. Thế nhưng, hằng ngày vẫn có hàng trăm lượt người và phương tiện như xe đạp, xe máy, xe thô sơ chở nông sản qua lại, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng.
Cầu Bình Long hư hỏng rất nặng, nhưng người dân vẫn vô tư đi lại trên cầu. Ảnh: V.L
Anh Nguyễn Hoàng Long, ở thôn An Long 1, cho biết hằng ngày vẫn thường xuyên qua lại cầu Bình Long để đưa đón con cháu đi học và đi làm ruộng. Vẫn biết cây cầu hiện hư hỏng rất nặng, nếu sơ sẩy, không quan sát kỹ, người điều khiển xe máy có thể lạc tay lái, đâm thẳng vào lan can, rơi xuống sông.
“Tuy nhiên, do đi lại nhiều nên tôi đã quen, qua cầu này cũng tiện nên “đánh liều”. Cách cầu Bình Long cũng có cầu Canh Vinh mới xây dựng bắc qua sông Hà Thanh, nhưng người dân muốn qua lại phải đi đường vòng. Trong khi đó, cầu Canh Vinh là cầu một chiều, có dải phân cách cứng, không thể đưa máy móc vào khu sản xuất và vận chuyển nông sản ra ngoài”.
Theo ông Trần Văn Bài, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, cầu Bình Long hư hỏng nặng kéo dài từ năm 2019 đến nay. Cầu có 20 nhịp, chiều dài mỗi nhịp 9 m, mặt cầu rộng 4 m. Năm 2019, cơn lũ lớn lịch sử đã làm cầu bị tụt 2 nhịp, mỗi nhịp 40 cm. Các năm sau đó tiếp tục tụt lần, đến nay đã tụt 5 nhịp, mặt bằng cốt thấp hơn so với mặt bằng ban đầu từ 1 - 1,5 m.
Xét thấy việc bà con đi qua lại cây cầu này không an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng và phương tiện, UBND xã Canh Vinh đã tổ chức họp dân, thông báo người dân trong xã không được qua lại cầu, đồng thời đặt 2 biển báo cấm và tổ chức rào 2 đầu cầu bằng thanh sắt, không cho xe cộ lưu thông qua lại. Thế nhưng, nhiều người dân đã dùng cưa sắt phá dỡ hàng rào để tiếp tục lưu thông. Sau đó, xã đổ đất “bịt” 2 bên đầu cầu không cho người và phương tiện đi lại trên cầu, nhưng người dân tiếp tục dùng xe ủi san gạt đất để đi lại, bất chấp nguy hiểm.
UBND xã Canh Vinh đã cho đổ đất hai bên đầu cầu nhưng người dân vẫn san gạt để đi lại. Ảnh: V.L
“Chúng tôi thấy rất nguy hiểm nên đã có thông báo trên đài truyền thanh xã nhiều lần, đồng thời tổ chức họp dân thông báo nghiêm cấm, nhưng vì nhu cầu thực tế, người dân vẫn “làm liều” tự tháo dỡ rào chắn để đi lại mỗi ngày. Giờ xã không biết phương án nào hữu hiệu, vì đã làm hết cách, hết trách nhiệm”, ông Bài cho hay.
Liên quan đến sự việc trên, ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết việc sửa chữa cầu Bình Long là hết sức cần thiết, nhưng tổng kinh phí sửa chữa lên đến trên 8 tỷ đồng, vượt khả năng của huyện. UBND huyện đã có báo cáo và nhiều lần kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có thông tin phản hồi. Khi nào được UBND tỉnh hỗ trợ, UBND huyện sẽ tiến hành triển khai sửa chữa kịp thời để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
“Trước mắt, để chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ, nhằm đảm bảo ATGT, UBND huyện sẽ có văn bản chỉ đạo UBND xã Canh Vinh tổ chức rào đóng kiên cố, không cho xe cộ lưu thông qua lại cầu Bình Long; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân cố tình vi phạm phá dỡ rào chắn để đi lại”, ông Cường nói.
Thiết nghĩ, UBND xã Canh Vinh cần có giải pháp căn cơ để đảm bảo ATGT trên cây cầu sắp sập này, tránh tình trạng mặc cho chính quyền địa phương rào chặn, người dân cứ tự ý phá dỡ. Dù đến thời điểm hiện tại chưa có vụ tai nạn nào xảy ra liên quan đến cây cầu này, tuy nhiên chính quyền địa phương không được chủ quan, thiếu kiên quyết trong xử lý, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
VĂN LƯU