Nhiều ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng
25/27 ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng so với đầu năm, điều này phản ánh xu hướng chung cả ngành là chất lượng tín dụng suy giảm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn.
Theo thống kê dựa trên báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết quý II/2024, số dư nợ xấu đã đạt gần 242 nghìn tỷ đồng cuối tháng 6.2024, tăng gần 45.000 tỷ đồng (22%) so với cuối năm ngoái.
Còn tính theo tỷ lệ (nợ xấu/tổng dư nợ) được WiGroup tính toán thì đã đạt mức 2,22% ở thời điểm cuối quý II/2024 - cao hơn mức 2,18% của quý I/2024 và mức 1,96% trong quý IV/2023.
Nợ xấu tăng - giảm ra sao ở các ngân hàng
Dữ liệu tổng hợp từ báo cáo thể hiện, có tới 25/27 ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng so với đầu năm, điều này phản ánh xu hướng chung cả ngành là chất lượng tín dụng suy giảm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn.
Nợ xấu đáng lo ngại hơn ở nhóm ngân hàng nhỏ. Ảnh: QUANG ĐỊNH/TTO
Trong đó, xét riêng về tốc độ, Bac A Bank (BAB), VietABank (VAB), LPBank (LPB), Vietinbank (CTG), Vietbank (VBB)… ghi nhận sự gia tăng nợ xấu mạnh nhất.
Tại Bac A Bank, nợ xấu đạt hơn 1.513 tỷ đồng, tăng 65,3% so với đầu năm. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Bac A Bank vẫn ở mức kiểm soát khi mới trên 1,4%. Ở vị trí thứ hai về tốc độ gia tăng, nợ xấu của VietABank cũng “vọt” lên hơn 52% so với đầu năm, đạt 1.674 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng này ở mức 1,5%. Không chỉ nhóm ngân hàng nhỏ, Vietinbank - một trong “Big4” cũng chứng kiến tốc độ gia tăng nợ xấu khá cao ở mức 48% so với đầu năm, đạt 24.165 tỷ đồng.
Phân tích chất lượng nợ vay của Vietinbank, tăng mạnh nhất ở nhóm “nợ nghi ngờ” khi từ 4.692 tỷ đồng đầu năm vọt lên 13.421 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6. Dù tăng mạnh, song tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank vẫn ở mức 1,5%. BIDV - một “ông lớn” quốc doanh khác - cũng có tốc độ gia tăng nợ xấu tới hơn 38% so với đầu năm, vượt hơn 28.600 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II vừa qua. Hay như ở Vietcombank, tốc độ tăng trưởng nợ xấu cũng cao hơn mức chung toàn ngành. Còn xét về tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay, NVB, VPB, BaoVietBank, BVB, VIB, ABB, VBB, OCB, MSB nằm “top” cao nhất toàn thị trường và đều trên mức 3%. Dù ở mức vượt 3%, nhưng điểm tích cực là OCB có tỷ lệ nợ xấu giảm.
Các ngân hàng nhỏ “đau đầu” vì nợ xấu
Ông Phạm Duy Hưng - Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp Visrating- cho biết, nhóm ngân hàng nhỏ suy giảm chất lượng tài sản rõ rệt nhất. Cả NCB, Bac A Bank, SaigonBank, Vietbank... ghi nhận tỷ lệ nợ có vấn đề hình thành mới cao hơn so với các ngân hàng khác, chủ yếu từ phân khúc bán lẻ và SME (DN vừa và nhỏ). Còn trong số các ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ nợ có vấn đề của Vietinbank hay BIDV đều tăng lên do lĩnh vực liên quan đến xây dựng và bất động sản. Ngược lại, chuyên gia Visrating nhận xét một số ngân hàng lớn đã giảm nợ có vấn đề bằng cách sử dụng dự phòng để xử lý trái phiếu VAMC như trường hợp VPB hoặc giảm nợ có vấn đề từ khách hàng lớn như MBBank.
Trong khi, tỷ lệ nợ có vấn đề hình thành mới của TPB duy trì ở mức thấp nhờ vào việc thắt chặt điều kiện cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng mới. Kết lại, chuyên gia Visrating cảnh báo một số ngân hàng nhỏ sẽ dễ bị tổn thương hơn trước rủi ro thanh khoản do tăng nguồn vốn thị trường ngắn hạn trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi thấp.
Tuy nhiên, dự báo chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ giữ ổn định trong nửa sau của năm 2024 nhờ việc cải thiện điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, môi trường lãi suất thấp và các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ giúp tăng khả năng trả nợ và giúp giảm các khoản nợ quá hạn.
(Theo TTO)