Giới thiệu tinh hoa võ cổ truyền Bình Định đến du khách
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị võ cổ truyền Bình Ðịnh trong giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030, các võ đường trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đưa võ cổ truyền đến gần hơn với du khách. Ðây không chỉ là một cách bảo tồn di sản văn hóa mà còn tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, mang đến cho du khách những trải nghiệm sâu sắc.
Từ năm 2012, võ đường Phan Thọ (thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) đã mở cửa đón khách tham quan. Hằng năm, võ đường này chào đón khoảng 50 đoàn khách quốc tế, giới thiệu các bài võ và nét đặc trưng của võ cổ truyền Bình Định. Công ty du lịch Intrepid Vietnam là một trong những đối tác thường xuyên đưa 15 - 20 đoàn khách mỗi năm đến trải nghiệm tại đây. Hướng dẫn viên Bùi Thanh Bắc cho biết: “Võ đường Phan Thọ có chương trình biểu diễn phục vụ du khách, giúp họ tìm hiểu về văn hóa võ thuật của Bình Định. Du khách nước ngoài rất thích thú khi tham gia các hoạt động này, vì nó làm cho chuyến đi của họ thêm phong phú và ý nghĩa”.
Du lịch trải nghiệm võ cổ truyền Bình Định được nhiều du khách quốc tế lựa chọn.
- Trong ảnh: Du khách tham quan và tập luyện võ thuật tại võ đường Phan Thọ (Tây Sơn). Ảnh: N.DŨNG
Tại nhà tập luyện võ thuật, bày tỏ sự thích thú khi giao lưu, tập luyện tại võ đường, ông Olivia Wilson đến từ New Zealand chia sẻ: “Bình Định nổi tiếng về võ thuật và các động tác, bài võ ở đây mang ý nghĩa sâu sắc, có tính ứng dụng trong cuộc sống, khiến chúng tôi cảm thấy rất mới mẻ và thú vị”.
Chưởng môn Phan Minh Hải của võ đường Phan Thọ nhấn mạnh: “Chúng tôi lên kế hoạch đón khách với các hoạt động như giới thiệu lịch sử võ đường, dâng hương tại nhà thờ tổ, biểu diễn võ cổ truyền và hướng dẫn du khách tập luyện. Mục tiêu là quảng bá, lan tỏa nét tinh hoa của võ cổ truyền Bình Định, góp phần vào sự phát triển của nền võ thuật Tây Sơn”.
Bên cạnh võ đường Phan Thọ, các võ đường khác như Phi Long Vịnh, Chùa Long Phước (Tuy Phước), Lê Xuân Cảnh, Lý Xuân Hỷ (TX An Nhơn), Hồ Sừng (Tây Sơn) cũng tích cực tham gia. Các võ đường này không chỉ đón du khách mà còn biểu diễn tại nhiều địa điểm du lịch, góp phần quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc. Võ sư Hồ Sỹ của võ đường Hồ Sừng chia sẻ: “Chúng tôi xem đây là cơ hội để quảng bá văn hóa dân tộc. Những bài võ đặc trưng trong thập bát ban binh khí được giới thiệu nhằm thu hút và khơi gợi sự thích thú của du khách”.
Đội tuyển hội thi của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định cũng thường xuyên nhận hợp đồng biểu diễn phục vụ du khách ở các điểm du lịch, nơi tổ chức lễ hội, sự kiện quan trọng hay hoạt động văn hóa, thể thao của tỉnh… Không chỉ góp phần vào công tác sưu tầm, bảo tồn, từng bước hoàn thiện các danh mục hồ sơ trình UNESSCO ghi danh võ cổ truyền Bình Định là di sản phi vật thể đại diện nhân loại, hoạt động này còn tạo nét đặc trưng, gây ấn tượng trong lòng du khách.
Trực tiếp theo dõi các võ sinh của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định biểu diễn tại Chương trình biểu diễn nghệ thuật tổng hợp diễn ra tháng 7 vừa qua, anh Nguyễn Quang Nam (đến từ Hà Nội) bày tỏ: Trong chuyến du lịch này, gia đình tôi chỉ có 3 ngày ở TP Quy Nhơn, bên cạnh các hoạt động ẩm thực, tham quan, chúng tôi rất ấn tượng và thích thú với cách đan xen, lồng ghép hoạt động văn hóa vào sự kiện của ban tổ chức. Trải nghiệm này giúp chúng tôi có được cảm nhận khí thế của đất Võ một cách rõ ràng nhất.
Võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, cho biết: “Việc quảng bá võ cổ truyền Bình Định qua các hoạt động biểu diễn không chỉ giúp du khách hiểu thêm về di sản này mà còn là cơ hội để các VĐV rèn luyện kỹ năng, tâm lý, hướng đến thành tích cao tại các giải đấu quốc gia”.
KIỀU VY