Cải thiện môi trường đầu tư hướng tới phát triển bền vững
(BĐ) - Ngày 23.8, tại TP Quy Nhơn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND tỉnh Bình Định, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID Việt Nam) phối hợp tổ chức hội thảo khu vực Duyên hải miền Trung về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Dự hội thảo có lãnh đạo các tỉnh, sở, ngành, địa phương trong vùng.
Quang cảnh hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu trong khi ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Ở khu vực miền Trung, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, thậm chí còn bị “thách thức” nhiều hơn khi liên tục đối mặt với thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán...
Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành phát biểu tại hội thảo.
Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng. Một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho DN phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng.
Tại 2 phiên thảo luận, VCCI đưa ra thông tin tóm tắt đặc điểm môi trường kinh doanh duyên hải miền Trung nhìn từ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023. Đó là chất lượng điều hành kinh tế có xu hướng cải thiện; là khu vực đứng đầu về chỉ số thành phần gia nhập thị trường; các chương trình hỗ trợ liên quan FTAs (những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia) là điểm sáng… Tuy vậy, tiếp cận đất đai vẫn là “điểm nghẽn”; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính chưa cao; gánh nặng thanh, kiểm tra đối với DN còn tồn tại… Do đó, các địa phương trong vùng cần nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra đối với DN. Tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho DN. Cần cải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho cả các DN cũng như thúc đẩy năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban pháp chế VCCI nêu đề xuất các địa phương trong vùng cần nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra đối với DN; tiếp tục nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho DN; cần cải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho cả các DN cũng như thúc đẩy năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền.
Các ý kiến của chuyên gia và địa phương cũng đề cập đến những giải pháp tăng trưởng xanh - vai trò của địa phương là thiết yếu. Đây là một nhiệm vụ phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên liên quan và nhiều cấp, ngành, DN và cộng đồng, trong đó vai trò của địa phương là thiết yếu.
Do đó, các địa phương cần xác định những giải pháp và tiêu chí đạt net-zero, tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện. Đồng thời, ban hành các chính sách, kế hoạch hành động tương ứng; chính sách và kế hoạch thu hút đầu tư; thúc đẩy sáng kiến/sáng tạo liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và công nghệ các-bon thấp. Cùng với đó là các chính sách tăng cường liên kết vùng và quốc gia; các chính sách và tiêu chí để giám sát thực hiện và giảm các tác động tiêu cực lên các nhóm dân cư khác nhau, đặc biệt các nhóm dễ bị tổn thương… Mặt khác, cần thiết kế chính sách phát triển đột phá cho vùng động lực
Nhiều giải pháp đã được các địa phương đề ra để thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững như hoàn thiện cơ chế, chính sách như tiếp tục tích hợp, lồng ghép các nội dung về tăng trưởng xanh, nền kinh tế xanh, phát triển bền vững vào các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho hay, tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kết nối quan hệ nhà đầu tư với chính quyền.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho hay, tỉnh luôn nỗ lực không ngừng trong công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao tính năng động của chính quyền trong thu hút đầu tư. Để phù hợp với xu thế hợp tác phát triển mạnh mẽ hiện nay, Bình Định tiếp tục đổi mới phương thức làm việc theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”, chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”, lấy người dân, DN làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động. Đặc biệt, tỉnh chú trọng nâng cao cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kết nối quan hệ nhà đầu tư với chính quyền. Thời gian cấp phép các dự án đầu tư vào KCN được rút ngắn trong 60 ngày, các vướng mắc của DN cũng được giải quyết nhanh nhất…
MAI HOÀNG