PHẪU THUẬT THAY KHỚP HÁNG KHÔNG XI MĂNG BẰNG ĐƯỜNG MỔ TRƯỚC NGOÀI:
Giảm tổn thương, nhanh hồi phục
Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng bằng đường mổ trước ngoài được áp dụng tại BVĐK tỉnh đã chứng minh hiệu quả điều trị trong việc giảm nguy cơ tổn thương thần kinh, trật khớp sau mổ và tăng tốc độ hồi phục cho bệnh nhân.
Kết quả này được rút ra từ nghiên cứu khoa học “Đánh giá kết quả phẫu thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng bằng đường mổ trước ngoài tại BVĐK tỉnh”, do BS.CKII Trương Kim Hùng, làm chủ nhiệm đề tài và cộng sự thực hiện, được Hội đồng khoa học, công nghệ tỉnh xếp loại xuất sắc.
Theo chủ nhiệm đề tài, thay khớp háng toàn phần là một phẫu thuật quan trọng nhằm loại bỏ hoàn toàn phần sụn và xương dưới sụn bị tổn thương tại ổ cối và chỏm xương đùi, sau đó thay thế bằng khớp nhân tạo. Khớp nhân tạo này bao gồm ổ cối nhân tạo, chỏm xương đùi và phần chuôi được gắn vào ống tủy xương đùi. Việc lựa chọn phương pháp thay khớp phụ thuộc vào mức độ chấn thương, độ tuổi và chất lượng xương của bệnh nhân. Có 3 loại khớp háng thường được chỉ định: Khớp háng có xi măng (phù hợp với bệnh nhân có chất lượng xương kém), khớp háng không xi măng (dành cho bệnh nhân có chất lượng xương tốt) và khớp háng lai (áp dụng cho bệnh nhân trên 80 tuổi). Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của ca phẫu thuật chính là việc lựa chọn đường mổ cho phù hợp với mức độ tổn thương bệnh nhân.
Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng bằng đường mổ trước ngoài giúp bệnh nhân mau hồi phục.
- Trong ảnh: Ê kíp bác sĩ BVĐK tỉnh phẫu thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng bằng đường mổ trước ngoài cho một bệnh nhân. Ảnh: ĐVCC
Theo BS.CKII Trương Kim Hùng, lâu nay, đường mổ sau thường được sử dụng rộng rãi trong phẫu thuật thay khớp háng tại Việt Nam nhờ tính dễ tiếp cận. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là làm yếu thành phần bao khớp phía sau, dẫn đến nguy cơ trật khớp sau phẫu thuật. Để khắc phục nhược điểm này, BS.CKII Trương Kim Hùng và nhóm nghiên cứu tại BVĐK tỉnh đã phát triển và áp dụng phương pháp phẫu thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng bằng đường mổ trước ngoài.
Từ tháng 6.2022 - 6.2024, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phẫu thuật cho 50 bệnh nhân bị tổn thương khớp háng tại khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng, BVĐK tỉnh. Trong số đó, 42 bệnh nhân sinh sống ở vùng nông thôn và 8 bệnh nhân ở thành phố. Đặc biệt, có 37 bệnh nhân bị tổn thương khớp háng một bên và 13 bệnh nhân bị tổn thương khớp háng hai bên. Trong 50 ca phẫu thuật, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thay khớp háng toàn phần không xi măng bằng đường mổ trước ngoài bên trái cho 28 bệnh nhân và thay khớp háng bên phải cho 22 bệnh nhân. Kết quả cho thấy 45/50 bệnh nhân đã đạt kết quả rất tốt, còn lại là tốt.
Ưu điểm nổi bật của đường mổ trước ngoài là không cần cắt bỏ khối cơ phía sau khớp háng, giúp giảm đáng kể tỷ lệ trật khớp sau phẫu thuật và tránh được tổn thương thần kinh ngồi. Ngoài ra, chiều dài vết mổ ngắn hơn (từ 8 - 12 cm) và thời gian phẫu thuật nhanh hơn (từ 50 - 120 phút), không xảy ra tình trạng chảy máu sau mổ, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.
BS.CKII Trương Kim Hùng cho rằng, phương pháp phẫu thuật này không chỉ mang lại hiệu quả trong điều trị tổn thương khớp háng mà còn giúp phục hồi chức năng khớp háng gần như hoàn toàn sau mổ. Đây là một lựa chọn tốt cho các phẫu thuật viên chuyên về chấn thương chỉnh hình.
Nhờ áp dụng kỹ thuật thay khớp háng toàn phần không xi măng bằng đường mổ trước ngoài, nhiều bệnh nhân đã có thể đi lại và sinh hoạt bình thường chỉ sau 3 tháng phẫu thuật. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt nhất sau phẫu thuật, ngoài việc chỉ định đúng và kỹ thuật mổ tốt, bệnh nhân cần tuân thủ các bài tập luyện và phục hồi chức năng để nhanh chóng quay trở lại cuộc sống hằng ngày một cách an toàn và độc lập.
TRỌNG LỢI