Cuộc trở về của những kỷ vật vô giá
Ngày 28.8, Sở Nội vụ phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) tổ chức lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cho thân nhân gia đình cán bộ đi B trên địa bàn tỉnh. Điểm chung của tất cả thân nhân là sự xúc động, trân trọng những kỷ vật có giá trị không gì đo đếm được.
Khi biết sẽ được nhận hồ sơ, kỷ vật của bác ruột mình là cán bộ đi B Nguyễn Giác (SN 1930, quê quán xã Tây Bình, huyện Tây Sơn; cơ quan trước khi đi B là Nông trường quốc doanh 1-5, tỉnh Nghệ An; đi B ngày 5.3.1964), gia đình ông Nguyễn Công Trứ (ở xã Tây Bình) rất bất ngờ, bởi rất nhiều năm qua ông thờ cúng bác ruột là liệt sĩ với bằng Tổ quốc ghi công tên “Nguyễn Văn Lành”.
“Tôi chỉ biết bác tôi hy sinh năm 1968 ở chiến trường Tây Nguyên. Có thể khi đi B ông đã thay đổi tên. Chưa từng được gặp bác, trong bàn thờ bác cũng không có ảnh nên điều gia đình tôi mong muốn nhất là có được tấm ảnh nào đó của ông…”, ông Trứ chia sẻ khi vừa bước vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh để chuẩn bị nhận hồ sơ, kỷ vật.
Sau khi được trao hồ sơ, kỷ vật, vợ chồng ông Trứ hòa chung niềm xúc động, tay run run mở tập hồ sơ ra xem, rồi mừng như “bắt được vàng” khi trong đó ngoài những giấy tờ, huân chương, huy hiệu đoàn, còn có gương mặt thời thanh xuân của người bác hiện rõ qua nhiều tấm ảnh chân dung đen trắng, đặc biệt còn có một tấm ảnh chân dung màu. “Ngắm ảnh mới biết thời trẻ bác tôi thật phong độ. Những kỷ vật này tôi sẽ đem về trưng bày trên bàn thờ; trong đó, sẽ chọn một tấm ảnh đem đến tiệm ảnh xử lý, phóng lớn để dùng làm ảnh thờ”, ông Trứ nói.
Niềm vui của hai vợ chồng con trai út cán bộ đi B Nguyễn Trọng Châu khi nhận được kỷ vật của cha mình. Ảnh: H.THU
Trong danh sách 57 cán bộ đi B được Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh liên hệ người thân để trao trả hồ sơ, kỷ vật trong buổi lễ trên (trong đó chỉ có thân nhân gia đình 34 cán bộ đi B ở các địa phương trong tỉnh đến nhận), ông Nguyễn Trọng Châu (SN 1926, quê quán xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) có thời gian đi B sớm nhất (21.5.1959, cơ quan trước khi đi B là Nông trường Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Vợ chồng con trai út ông Châu là ông Nguyễn Thanh Liêm và bà Hà Thị Thúy Linh (nhà ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) cùng nghỉ làm để đến nhận.
Gần gũi chăm sóc cha, được ông kể nhiều câu chuyện những năm tháng tập kết, sống và làm việc trên đất Bắc, nên anh Liêm thêm phần xúc động khi được cầm trên tay nhiều hình ảnh, giấy khen của cha mình. “Việc trao trả kỷ vật gần ngày Quốc khánh 2.9 nên càng thêm ý nghĩa. Vợ chồng tôi sẽ đem những hình ảnh, kỷ vật này về nhà từ đường ở Phước Thắng, để các anh tôi ở xa về quê chơi dịp lễ 2.9 cùng quây quần bên nhau xem, tưởng nhớ một thời thanh xuân cha mình đã đi rất xa để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng”, ông Liêm chia sẻ.
Cầm trên tay tờ giấy “khen ngợi ông Nguyễn Trọng Châu, cán bộ sửa sai xã Quang Hưng, huyện An Lão, đã có thành tích: Chú ý giải quyết ổn định tư tưởng cán bộ cũ mới tích cực công tác. Đi sát giúp đỡ cán bộ thôn, xóm tiến hành công tác thuế nông nghiệp có kết quả” của Ủy ban hành chính tỉnh Kiến An ngày 20.5.1957, bà Linh xúc động cho biết: “Tỉnh Kiến An ngày xưa giờ thuộc TP Hải Phòng, nơi cha chồng tôi có thời gian ở nhờ một gia đình ngoài đó và được người mẹ trong gia đình nhận làm con nuôi. Đến nay, gia đình tôi và gia đình mẹ nuôi của cha tôi vẫn giữ liên lạc, thăm hỏi nhau như người thân. Khi cha mất năm 2022, gia đình ở Hải Phòng cũng cử người đại diện vượt đường xa vào viếng”.
Ông Đào Thành Nhân, con trai cán bộ đi B Đào Tánh, xem lại nhiều hình ảnh, giấy khen của cha mình trong thời gian sống và làm việc ở miền Bắc. Ảnh: H.THU
Ông Đào Thành Nhân, con trai cán bộ đi B Đào Tánh (SN 1926, quê quán xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước; cơ quan trước khi đi B là HTX cao cấp Bắc Nam, tỉnh Thái Nguyên; đi B ngày 12.5.1962) cũng đầy cảm xúc khi nhận lại được nhiều giấy tờ, hình ảnh của cha mình. Trong đó, có nhiều ảnh đen trắng về Bác Hồ được ông Tánh sưu tầm, gìn giữ cẩn thận trong những năm tháng trên đất Bắc.
“Cha tôi mất từ năm 2015, nên hôm nay nhận lại được kỷ vật của cha, tôi rất vui mừng, xem là “báu vật”. Tôi sẽ tuyên truyền về kỷ vật để thế hệ trẻ thêm hiểu biết, cùng tự hào về các thế hệ ông cha đã cống hiến quên mình cho sự nghiệp cách mạng”, ông Nhân bộc bạch.
* “Lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật khẳng định sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý lưu trữ, sự nỗ lực của Trung tâm Lưu trữ tỉnh Bình Định và các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Hiện nay, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đang quản lý hơn hơn 5.400 hồ sơ cán bộ đi B tỉnh Bình Định, trong đó có nhiều kỷ vật gốc. Thời gian tới, những hồ sơ, kỷ vật này cần được trao trả càng sớm càng tốt, góp phần giải quyết các chế độ, chính sách cho bản thân cán bộ đi B và thân nhân của họ”.
Bà NGUYỄN THỊ NGA, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước
* “Việc trao trả hồ sơ, kỷ vật như một lời tri ân và tôn vinh những hy sinh, đóng góp của cán bộ đi B, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để các cán bộ, thân nhân cán bộ đi B biết thông tin và nhận lại hồ sơ, kỷ vật là rất cần thiết, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử dân tộc cho các thế hệ”.
Ông NGUYỄN THANH VŨ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ
HOÀI THU