Trang trọng tổ chức Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 232
(BĐ) - Sáng 1.9 (nhằm ngày 29.7 âm lịch), tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trang trọng tổ chức Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 232 (1792 - 2024).
Các đại biểu thành kính dâng hoa trước tượng Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: N.T
Dự lễ giỗ có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, huyện Tây Sơn và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đại diện một số tỉnh, thành, địa phương có liên quan phong trào Tây Sơn và các chiến công của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ; Hội đồng hương Tây Sơn tại các tỉnh, thành phố…; cùng đông đảo người dân địa phương và du khách.
Trong không khí trang nghiêm, lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương. Ảnh: N.T
Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn diễn ra vào nửa cuối thế kỷ thứ XVIII, gắn liền với sự nghiệp của ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, mà tiêu biểu là Hoàng đế Quang Trung ⁃ Nguyễn Huệ, nhà lãnh đạo kiệt xuất, trí dũng song toàn, đưa phong trào Tây Sơn từ cuộc khởi nghĩa nông dân trở thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Từ một tướng lĩnh tài ba bách chiến, bách thắng, Quang Trung ⁃ Nguyễn Huệ trở thành vị anh hùng dân tộc vĩ đại, một thiên tài quân sự, đã đánh đổ các thế lực phong kiến, xóa bỏ ranh giới Sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm, quét sạch 5 vạn quân Xiêm với chiến công Rạch Gầm - Xoài Mút vang dội, và đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử năm Kỷ Dậu 1789, đánh tan 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Quang Trung - Nguyễn Huệ không những là nhà quân sự thiên tài mà còn là nhà chính trị lỗi lạc với nhiều chính sách chiêu hiền, đãi sĩ, thu phục nhân tâm, bang giao hữu nghị với các nước láng giềng trong công cuộc xây dựng đất nước.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đọc văn khấn tại lễ giỗ. Ảnh: N.T
Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu (1753) tại làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là Khối 1, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn). Ngài băng hà vào ngày 29.7 năm Nhâm Tý (1792) giữa lúc đất nước đang trên đà phát triển, thái bình và hưng thịnh. Cuộc đời 39 năm, Ngài cống hiến gần như toàn bộ cho cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc, đưa phong trào nông dân Tây Sơn trở thành một trang vàng chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, hằng năm, Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung được tỉnh Bình Định tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống.
Đại biểu, người dân và du khách thành kính dâng hương lên anh linh Hoàng đế Quang Trung và các văn thần, võ tướng. Ảnh: N.T
Trước ngày diễn ra Lễ giỗ năm nay còn có một số hoạt động: Lễ khấn cáo tại Đài Kính Thiên và Đền thờ thân phụ, thân mẫu Tây Sơn Tam kiệt, Hội thi trang trí mâm lễ vật dâng cúng vua, biểu diễn lân sư rồng và võ cổ truyền; ngoài ra, tối 1.9 còn có chương trình nghệ thuật truyền thống, biểu diễn các vở tuồng, ca kịch bài chòi về triều đại Tây Sơn tại quảng trường trước Bảo tàng Quang Trung.
NGỌC TÚ