Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và Chuyến tàu tập kết
Tuy 70 năm đã trôi qua nhưng sự kiện tập kết, chuyển quân ra Bắc năm 1954 còn nguyên giá trị lịch sử, là bài học về tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của quân-dân ta vì sự nghiệp cách mạng cao cả.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024) tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Tối 1.9, chương trình cầu truyền hình Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và Chuyến tàu tập kết (1954-2024) đã diễn ra tại ba điểm cầu Khu lưu niệm Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125-Vùng 2 Hải Quân (phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh (Phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và Khu lưu niệm đồng bào, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Chương trình do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các Đài Phát thanh-Truyền hình Đồng Tháp và Thanh Hóa tổ chức, được phát sóng trực tiếp trên sóng trực tiếp trên các Đài Phát thanh-Truyền hình của ba địa phương.
Tham dự tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố; các nhân chứng lịch sử và đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương và tỉnh Đồng Tháp; lão thành cách mạng; Mẹ Việt Nam anh hùng; cán bộ và con em cán bộ, chiến sỹ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng đông đảo người dân.
Với chủ đề “Niềm tin và khát vọng”, chương trình gồm 3 chương: Đi vinh quang, ở anh dũng; Nghĩa nặng tình sâu và Hành trình tiếp nối. Thông qua các tiết mục sân khấu hóa, những thước phim tư liệu quý và chia sẻ của nhân chứng lịch sử, cầu truyền hình mang đến một chương trình nghệ thuật đặc sắc; khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định Geneva trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bà Võ Hoàng Lan kể lại kỷ niệm về chuyến tàu tập kết ra Bắc vào năm 1954. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Tại Đồng Tháp, bà Võ Hoàng Lan đã kể lại kỷ niệm về chuyến tàu tập kết ra Bắc vào năm 1954. Bà Lan cho biết, năm xưa, bà và ông Trần Thanh Minh đều xuống tàu tại Cao Lãnh đi đến Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) để tập kết ra Bắc. Ông bà đã quen biết và kết duyên vợ chồng trên đất Bắc. Hôm nay, dự chương trình cầu truyền hình Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và Chuyến tàu tập kết, những kỷ niệm về chuyến tàu ngày ấy lại ùa về.
Chương trình nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn,” lòng biết ơn sâu sắc đối với cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam năm xưa đã không ngại hy sinh, gian khổ để ra Bắc học tập, công tác, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị lực lượng mọi mặt tiến tới Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thông qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, tri ân sự hi sinh của các thế hệ cha ông đi trước cho nền độc lập, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng.
Tuy 70 năm đã trôi qua nhưng sự kiện tập kết, chuyển quân ra Bắc năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, là bài học về tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm của quân-dân ta vì sự nghiệp cách mạng cao cả.
Với tầm vóc to lớn của sự kiện, chương trình cầu truyền hình Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và Chuyến tàu tập kết (1954-2024) khắc họa nên bức tranh tổng thể về sự di cư đỉnh cao của cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam ra miền Bắc học tập, công tác.
Bên cạnh đó, tái hiện chân thực và toàn cảnh 100 ngày tập kết thắm đượm nghĩa tình quân-dân; người dân miền Bắc dang rộng vòng tay đón tiếp, đùm bọc những người con ưu tú của miền Nam ruột thịt.
Ngày 21.7.1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Theo nội dung Hiệp định Geneva, Nam Bộ có 3 khu vực tập kết, chuyển quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Hàm Tân-Xuyên Mộc (80 ngày); Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười (100 ngày) và Mũi Cà Mau (200 ngày).
Với tinh thần “Đi vinh quang, ở anh dũng”, thị trấn Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đón tiếp và đưa tiễn hơn 13.500 cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam xuống tàu tập kết ra Bắc.
Một tiết mục nghệ thuật trong chương trình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva và Chuyến tàu tập kết (1954-2024) tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Người đi quyết tâm xây dựng miền Bắc vững mạnh, củng cố thành trì kiên cố cho cách mạng miền Nam. Người ở lại giữ trọn lời thề son sắt chung thủy, quyết đấu tranh cho sự nghiệp Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia.
Tại Cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, nơi đầu tiên của miền Bắc đón tiếp đồng bào, chiến sỹ miền Nam tập kết ra Bắc, 70 năm trước hàng trăm ngàn người con miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đã tập kết chuyển quân tại nhiều khu vực, trong đó có các địa phương của Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ như Xuyên Mộc-Bà Rịa, Cao Lãnh-Đồng Tháp, Sông Đốc-Cà Mau... đã lên tàu rời xa quê hương, để lại sau lưng những người thân yêu nhất cùng hình bóng làng quê, xóm rẫy.
(Theo TTXVN/Vietnam+)