Những nhà văn xuống tàu tập kết ra Bắc
Trong những tháng năm hoạt động văn hóa nghệ thuật, tôi có may mắn được quen biết và làm việc với nhiều văn nhân, thi sĩ từng có mặt trên những chuyến tàu tập kết sau Hiệp định Geneve, đặc biệt là các nhà thơ quê nhà Bình Định. Họ có thể đã thành danh, có người đang thời niên thiếu khi xuống tàu, nhưng nét chung ở họ là sự đậm đà phong vị, khí chất Bình Định.
Tôi nhớ mãi thời điểm bắt đầu Đổi mới, khi chúng tôi đã hoàn tất việc sưu tập tuyển tập Hàn Mặc Tử và một số tập sách khác, lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình lúc đó hết sức trọng thị mời các nhà thơ Quách Tấn, Chế Lan Viên và Yến Lan về bàn bạc, sau đó chúng tôi trực tiếp hoàn chỉnh bản thảo và tiến hành việc xuất bản.
Rất nhiều nhà văn Bình Định đã xung phong trở lại, hoạt động ở chiến trường miền Nam những năm gian khổ ác liệt nhất.
- Trong ảnh: Nhà văn Cao Duy Thảo (hàng ngồi, bìa phải) và các văn nghệ sĩ Khu 5 thời chống Mỹ. Ảnh tư liệu của PHẠM ĐƯƠNG
Đó là chuyện của năm 1986, 1987, tôi có dịp gặp gỡ cùng lúc những thi nhân trong cuộc, trong không gian tình bạn của họ, từ tuổi thanh niên ngày mới gặp nhau, bấy giờ đã U70 đến U80. Nửa thế kỷ trước đó, khi Một tấm lòng (1939) của Quách Tấn ra mắt, sau lời tựa của Tản Đà là lời bạt của Hàn Mặc Tử, chí thiết: “Cứ mỗi tờ thơ là mỗi tờ trăng, thơm mát dịu dàng, cơ hồ có từng ban nhạc reo lên ở mỗi trang giấy”. Năm 1941, phong trào Thơ Mới đã thắng thế toàn diện, Chế Lan Viên đề tựa cho tập thơ Đường luật của Quách Tấn, như cái gạch nối: “Tập Mùa cổ điển bé bỏng nhưng quá đầy đủ, trước hết đã giải cho ta mối lầm ác nghiệt là phân chia bờ cõi thành hai chữ Mới - Cũ chẳng có ý nghĩa gì”.
Về cái bút danh, Chế Lan Viên từng hồi tưởng, Hàn Mặc Tử in bài Thi sĩ Chàm, đề tặng Chế Bồng Hoan, tức đùa ghép họ vua Chàm vào tên Hoan của tôi. Còn chữ Lan Viên là từ cái “vườn lan ai ấy tưới thay con” ở nhà người bạn thiếu thời Yến Lan mà thành - Chế Lan Viên. Năm 1987, đề tựa cho tập thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên xúc động: “1935 - 1939 cũng là thời kỳ tôi học ở Quy Nhơn, giới thiệu và dìu dắt tôi vào làng thơ là công Anh lúc đó”.
Phải nói rằng, những chuyện về tình bạn tình thơ của Bàn Thành tứ hữu rất cụ thể và rất mênh mang diệu vợi, bàng bạc trong trăng sao mây trời xứ sở và lòng khách hữu tâm, lưu dấu trong nhiều hồi ký của họ và thân nhân, bạn bè họ và các nhà biên khảo, lý luận phê bình, trong giai thoại mà dân gian thường dành cho những nhân vật họ ngưỡng mộ. Nó đã vượt lên trên mọi giới hạn chia cắt.
Một đặc điểm của các nhà văn mà tôi quen biết, dù xa Bình Định nhiều năm, nhưng tôi vẫn cảm nhận được tính cách Bình Định trong tác phẩm và cách hành xử ân tình, nghĩa khí của họ, với tôi, thật muôn vàn trân trọng. Với thế giới chữ nghĩa, hai tiếng Bình Định, gặp nhau cất lên ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác, có một vang vọng đầm ấm sâu xa.
Tôi cũng từng gặp nhiều nhà thơ, nhà văn Bình Định thế hệ kế ngay sau Bàn Thành tứ hữu, như: Nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Nguyễn Thành Long... tập kết ở tuổi U30, hai ông đã chọn Hà Nội định cư cho đến cuối đời. Do đặc điểm công vụ, ngay thập kỷ thứ tám của thế kỷ XX, tôi được vinh hạnh đón họ mỗi khi họ về Bình Định và lúc ra Hà Nội, tôi cũng thường được gặp họ, lúc nhà riêng, lúc ở cơ quan hoặc trong các hội nghị, hội thảo.
Nhà văn Cao Duy Thảo thì lên tàu tập kết lúc 11 tuổi. Hơn chục năm sau, năm 1966, ông xung phong trở lại miền Nam, hoạt động ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng và Bình Định những năm gian khổ ác liệt nhất. Đặc biệt, ông từng là thành viên của Liên hợp quân sự bốn bên ở Bình Định, trong đợt trao trả tù binh tại thôn Long Quang (Hoài Ân) năm 1973 trong khuôn khổ Hiệp định Paris. Cùng “sem sem” độ tuổi nhà văn Cao Duy Thảo, nhà thơ Ngô Thế Oanh, người trầm lặng và trang thơ luôn đau đáu với cuộc chiến đi qua: Những tên tuổi. Những cuộc đời khát vọng/ Giờ chỉ còn đơn giản: Vô danh/ Tôi tự nhủ với niềm an ủi/ Sự sống sót không hề có lỗi...
Nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai lên tàu tập kết với gia đình lúc mới 6 tuổi. Trẻ hơn nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai vài tuổi, là dịch giả Đào Minh Hiệp, đi tập kết lúc mới lên 2. Viết đến đây, tôi chợt nhớ những câu thơ trong Bài thơ tháng Bảy của nhà thơ Tế Hanh: Ơi em bé mắt đen, ngày tập kết/ Má còn dìu ngơ ngác, biển mênh mang/ Trang vở mới sáng nay em tập viết/ Ghi trang đầu đậm nét chữ: miền Nam!.
Việc những cán bộ và con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc là một chủ trương lớn để thực hiện lý tưởng cách mạng, đấu tranh thống nhất đất nước. Những nhà văn tiền chiến và những nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp lúc này được tiếp cận một hiện thực mới ở thủ đô và bắt tay thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền văn học, từ việc sáng tác đến góp phần đào tạo thế hệ sáng tác tiếp theo. Một thế hệ khác, là những người lúc ấy ở độ tuổi thiếu niên nhi đồng trở thành “hạt giống đỏ” được đào tạo bài bản từ giáo dục mầm non cho tới đại học trong và cả ngoài nước.
Đến giữa những năm 60 đầu những năm 70 của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến đến giai đoạn quyết liệt, dù người ở lại miền Bắc “lũy thép” hay người về miền Nam “thành đồng”, họ đã góp những tác phẩm sinh động vào nền văn chương nước nhà những tháng năm đầy khó khăn và thử thách, đầy trách nhiệm và vinh dự.
Đã 70 năm kể từ Hiệp định Geneve, thế hệ nhà văn Bình Định trên những chuyến tàu tập kết, nhiều người đã khuất núi, riêng những người còn tại thế, trẻ nhất cũng đã U80. Trong số nhà văn mà tôi quen biết, tiếp cận trò chuyện, ký ức của những năm tháng hào hùng của lịch sử vẫn chưa hề phôi pha trên trang viết, như những nhân chứng của một thời đại. Từ một người cầm bút và cầm súng, khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh, Cao Duy Thảo nhìn nhận: “Rõ ràng vẫn còn một thế giới khác không hoàn toàn giống với những gì ta từng trải. Nó rộng lớn, bền chắc hơn một cuộc chiến tranh”.
NGUYỄN THANH MỪNG