Về với những “địa chỉ đỏ” khu Ðông
Do có vị trí địa lý đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, mạn Đông huyện Tuy Phước, nhất là vùng tiếp giáp đầm Thị Nại như Phước Sơn, Phước Hòa là vùng chiến sự ác liệt, chịu nhiều mất mát, hy sinh. Nhưng chính vì thế con người nơi đây càng quật cường, sâu sắc nghĩa tình; đây cũng là khu vực có nhiều “địa chỉ đỏ”, góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn.
41 người con sinh ra và lớn lên ở xóm 21, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được nhân dân địa phương dựng nhà bia tưởng nhớ, khắc ghi công lao. Thế hệ con cháu thuộc gia tộc họ Nguyễn ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) cũng xây bia tưởng niệm tại nhà từ đường khắc tên 12 liệt sĩ và 4 mẹ Việt Nam anh hùng trong gia tộc. Đây là những địa chỉ đỏ điển hình.
Ký ức hào hùng
Theo ông Lương Văn Tâm, Bí thư Chi bộ thôn Vinh Quang 2, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn thôn Vinh Quang 2 là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa quân ta và địch. Vào năm 1965, quân chư hầu Nam Triều Tiên đã thảm sát 34 người dân vô tội tại thôn Vinh Quang 2.
Ông Nguyễn Văn Tám (áo trắng, đứng ở nhóm bên phải) cùng đại diện chính quyền, đoàn thể xã Phước Hòa dâng hương, dâng hoa bia tưởng niệm tại nhà từ đường tộc họ Nguyễn thôn Kim Đông nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024). Ảnh: V.L
Nỗi đau này càng khiến lòng căm thù giặc và tinh thần quyết tâm, ý chí quật cường của quân dân nơi đây dâng cao, để cùng với quân dân trong huyện, tỉnh và cả nước vùng lên đấu tranh, giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông vào tháng 4.1975.
Ông Trần Đón, 82 tuổi, ở xóm 21, thôn Vinh Quang 2, hồi tưởng: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia LLVT huyện Tuy Phước và thường xuyên hoạt động, chiến đấu tại xã Phước Sơn. Trước khi huyện Tuy Phước được giải phóng vào tháng 3.1975, quân địch thường xuyên càn quét, ném bom chiến trường khu Đông. Dẫu vậy, quân và dân xã Phước Sơn nói riêng, huyện Tuy Phước nói chung vẫn đứng vững, chống trả kiên cường và giành thắng lợi cuối cùng.
Ông Nguyễn Văn Tám, 68 tuổi, thương binh - thuộc gia tộc họ Nguyễn thôn Kim Đông - vô cùng tự hào khi kể về truyền thống cách mạng hào hùng, bất khuất của bậc ông cha mình. Ngay từ những năm 1940 của thế kỷ XX, ông nội của ông Tám là liệt sĩ Nguyễn Chưng (SN 1889) đã tích cực tham gia đấu tranh để người cày có ruộng, chống lại cường hào, địa chủ; sau năm 1945, cụ tiếp tục bám làng, trở thành cơ sở cách mạng. Năm 1966, cụ hy sinh trong một cuộc đấu tranh trực diện với kẻ địch.
Sinh thời, cụ Nguyễn Chưng cùng vợ là cụ Lê Thị Mười đã động viên 7 người con trai tham gia cách mạng, trực tiếp cầm súng chiến đấu. Tiếp nối truyền thống yêu nước của gia đình, thế hệ cháu của cụ Nguyễn Chưng cũng lên đường chiến đấu không tiếc máu xương. Để rồi, 12 người con, cháu trong gia tộc cụ Nguyễn Chưng đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, 4 người được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng. Gia đình cụ Nguyễn Chưng và Lê Thị Mười đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Ðộc lập hạng nhất.
Khắc ghi và tiếp bước
Năm 2011, con cháu gia tộc họ Nguyễn thuộc nhánh thôn Kim Đông lập bia tưởng niệm để khắc ghi truyền thống cách mạng của gia tộc. Bia tưởng niệm được đặt trang trọng tại khuôn viên của nhà từ đường họ Nguyễn ở thôn Kim Đông. Đây là nơi để con cháu, dâu rể ôn lại truyền thống anh hùng của gia tộc và chia sẻ những thành quả trong lao động, học tập của thế hệ sau này.
Ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: Phát huy truyền thống của gia tộc, năm 2006, con cháu các chi thuộc dòng họ Nguyễn ở thôn Kim Ðông đã đóng góp tiền xây dựng cầu Ông Tường - tên thường gọi của cụ Nguyễn Chưng lúc sinh thời - để giúp người dân trong thôn đi lại thuận tiện. Dòng họ Nguyễn ở thôn Kim Đông còn có nhiều người đạt học vấn cao và giữ nhiều trọng trách tại các địa phương, sở, ngành. Ngoài ra, các thế hệ con cháu trong dòng tộc còn tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Ban nhân dân thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn và người dân xóm 21 tổ chức tọa đàm nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024). Ảnh: V.L
Tại xóm 21, thôn Vinh Quang 2, sau ngày đất nước thống nhất, bà con nhân dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng nhà bia ghi tên 41 liệt sĩ, nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn những người con quê hương đã hy sinh máu xương cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nhà bia được xây dựng trên khu đất cao ráo, rộng rãi và thường xuyên có người chăm sóc nên rất sạch sẽ, trang nghiêm. Vào các dịp lễ, tết, nhất là vào dịp 30.4, 27.7 và tết Nguyên đán hằng năm, người dân ở xóm 21 đều tổ chức lễ viếng các anh hùng liệt sĩ chu đáo.
Bà Phạm Thị Liên, ở xóm 21, chia sẻ: “Hằng ngày, nhà bia tưởng niệm đều có người coi sóc, hương khói. Riêng mùng 1 và ngày 15 âm lịch hằng tháng, bà con bày biện thêm hoa quả để viếng hương linh các liệt sĩ. Đây là sự thành kính và biết ơn đối với anh hùng liệt sĩ, nên bà con trong xóm không cần nhắc nhở mà mỗi người cùng chung tay chăm lo để nhà bia được tươm tất”.
Ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho hay: Việc làm cụ thể, thiết thực của người dân ở xóm 21 đã khơi dậy lòng biết ơn, tự hào và trách nhiệm của cộng đồng đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ tại địa phương. Nơi đây là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, giúp các thế hệ ở địa phương ý thức được trách nhiệm với quê hương, đất nước, bởi cha ông mình đã anh dũng hy sinh để có được hòa bình, độc lập hôm nay.
VĂN LỰC