Du lịch, điện ảnh và thể thao: Kết hợp quảng bá nét đặc trưng của địa phương
Sức hút du lịch Việt Nam qua các tác phẩm điện ảnh, danh lam thắng cảnh và hoạt động thể thao đã gợi mở mối liên kết giữa 3 lĩnh vực: Du lịch, điện ảnh và thể thao. Mối liên kết này đã được làm rõ hơn thông qua ý kiến trao đổi của các chuyên gia, khách mời trong phiên thảo luận có chủ đề: “Du lịch, điện ảnh và thể thao: Kiến tạo tương lai, đường dài chung bước” diễn ra tại Hội thảo “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao: Kiến tạo tương lai - Đường dài chung bước” trong khuôn khổ các hoạt động Chương trình “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt” do Bộ VH-TT&DL phối hợp UBND tỉnh tổ chức tại Bình Định từ ngày 2 - 4.9.
Các chuyên gia điện ảnh, khách mời giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo.
Báo Bình Định trích đăng ý kiến của các chuyên gia, khách mời tại phiên thảo luận của Hội thảo:
* Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam (Bộ VH-TT&DL):
Nhà nước có nhiều chính sách, chiến lược phát triển du lịch, thể thao, điện ảnh
Đảng, Nhà nước rất quan tâm ban hành nhiều chính sách, chiến lược phát triển du lịch, thể thao và điện ảnh. Bộ VH-TT&DL cũng đã tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành thêm nhiều chính sách, chiến lược phát triển thể thao và du lịch đến năm 2030; trong đó, có những chính sách rộng mở cho các địa phương, gợi mở tạo cơ hội phát triển du lịch ở địa phương, đặc biệt thu hút các đoàn phim đến địa phương qua chính sách ở địa phương ban hành.
* Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ VH-TT&DL):
Điện ảnh góp sức cho du lịch phát triển
Ngành du lịch Việt Nam đang phát triển trên nền tảng văn hóa. Chúng ta có một từ khóa hay “Tự hào bản sắc Việt”, Việt Nam tươi đẹp, con người cần cù sáng tạo, nồng hậu hiếu khách, làm nên bản sắc đáng tự hào; tổ tiên để lại di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên làm nên Việt Nam hấp dẫn. Qua Hội thảo này tạo thành sức mạnh tổng hợp, Nghị quyết phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
2/3 lượng khách hứng thú và đi du lịch đến các nước là thông qua tác phẩm điện ảnh. Đây là nguồn tài nguyên vô tận, nếu chúng ta biết khai thác, đặt nhiệm vụ quản lý nhà nước kết nối các mặt trội của Việt Nam sẽ kết nối điện ảnh trong phát triển du lịch. Với Bình Định - vùng đất có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch; trong đó, võ cổ truyền Bình Định có sức hút mạnh mẽ, có thể làm nên những tác phẩm điện ảnh võ thuật để đời, có sức hút du khách đến Bình Định thông qua điện ảnh.
* Ông Ek Buntha, Phó Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia:
Chúng tôi đã có thiết chế hỗ trợ các đoàn làm phim
Tại đất nước chúng tôi đã thành lập được thiết chế, thủ tục, điều kiện trên thực tiễn để hỗ trợ các đoàn làm phim. Campuchia và Việt Nam có sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là văn hóa. Hai nước đã hợp tác tổ chức Tuần Văn hóa thường niên luân phiên để gắn kết sâu rộng hợp tác phát triển văn hóa giữa hai quốc gia. Tuy vậy, lĩnh vực du lịch giữa hai nước chưa được hợp tác khai thác nhiều. Chúng tôi hy vọng Hội thảo lần này sẽ tạo nền tảng để Việt Nam và Campuchia hợp tác phát triển hơn nữa lĩnh vực văn hóa, du lịch và điện ảnh với những cơ chế ban hành để thu hút các đoàn làm phim quảng bá du lịch. Lần đầu tiên đến Bình Định, tôi rất ấn tượng với sự phát triển ở đây, đô thị hóa nhưng vẫn giữ được nét nguyên sơ của phong cảnh, con người thân thiện, di sản văn hóa đa dạng. Theo tôi, đây là những tiềm năng cần được khai thác để phát triển du lịch kết hợp điện ảnh, thể thao trong thời gian tới.
* Ông Franck Priot, chuyên gia điện ảnh Pháp:
Sự liên kết giữa điểm đến và giá trị khác tạo nên tác phẩm điện ảnh ấn tượng
Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi chưa có nhiều kỹ xảo, các đoàn làm phim phải đi đến những nơi có cảnh quan đẹp để quay phim ở châu Âu, châu Phi hay châu Á… Nhà làm phim sẽ cân nhắc đâu là nơi lý tưởng để thực hiện những cảnh quay. Có nhiều bộ phim Hollywood nói về Paris nhưng không thực hiện cảnh quay ở Paris, họ đến Trung Đông để thực hiện.
Ngoài ra tôi còn muốn đặt vấn đề rằng: Lãnh đạo có muốn đoàn làm phim thực hiện cảnh quay tại địa phương không? Bạn có muốn thu hút đoàn làm phim đến địa phương của bạn không? Nếu có, địa phương có những chính sách, ưu đãi gì để làm việc, thu hút đoàn làm phim đến quay.
* Ông Đỗ Lệnh Hồng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam:
Cần có chính sách thu hút đoàn làm phim
Chúng ta có thể tạo điều kiện cho các đoàn làm phim bằng sự phối hợp chặt chẽ như kiềng 3 chân giữa Nhà nước, nhà đầu tư và diễn viên. Chúng ta nên có cơ chế, ngoài miễn giảm thuế cho đoàn phim đến địa phương và nhân lực tại địa phương, cũng như các điều kiện để làm dịch vụ tại nước ngoài, vừa phát triển điện ảnh, vừa góp phần phát triển du lịch ở địa phương. Điều quan trọng cần có chính sách xã hội hóa làm phim, Nhà nước cho phép tư nhân chia lợi ích góp vốn tạo sự phát triển bền vững. Riêng với Bình Định, địa phương có nhiều tài nguyên du lịch, có núi, biển, đảo, làng nghề… không có cớ gì Bình Định không phát triển được điện ảnh gắn với du lịch. Hội Điện ảnh Việt Nam mở cửa đón chào các đoàn làm phim đến Việt Nam, và sẽ dẫn dắt đến Bình Định.
* Bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang:
Chúng ta cần có câu chuyện để làm phim hay
Hà Giang được thiên nhiên ban tặng danh thắng đẹp, nét văn hóa đậm dấu ấn đặc trưng. Chúng tôi có những câu chuyện thuần túy của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, những thửa ruộng bậc thang thơ mộng… để viết nên những câu chuyện hay làm phim. Từ những tác phẩm điện ảnh, như: Chuyện của Pao.. đã giúp Hà Giang thu hút nhiều du khách, trở thành điểm đến hàng đầu châu Á. Tỉnh Hà Giang cũng đã đầu tư hạ tầng giao thông, có nhiều chính sách để thu hút các đoàn làm phim đến Hà Giang khai thác bối cảnh phim, xây dựng những tác phẩm điện ảnh, nhất là các thể loại phim hành động, phim hài, phiêu lưu, giả tưởng. Những tác phẩm điện ảnh ấy không những giúp quảng bá, phát triển du lịch Hà Giang mà kể cả vùng phụ cận. Tôi cũng mong Bình Định cũng sẽ khai thác tiềm năng phát triển du lịch qua điện ảnh.
NHÓM PV VĂN HÓA (ghi)