Quảng bá văn hóa xứ Nẫu qua nghệ thuật múa đương đại
Có niềm đam mê bộ môn múa từ khi còn học phổ thông, tính đến nay, Lê Nhật Huy (SN 1976) đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực múa và biên đạo múa. Anh cũng được tham gia dàn dựng nhiều tiết mục trong những chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh; biên đạo thành công một số tiết mục văn nghệ cho các sự kiện như: Ngày hội Văn hóa các Dân tộc miền Trung lần thứ IV, Lễ kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 2024, Lễ hội du lịch Bình Định năm 2023 chủ đề “Quy Nhơn - thiên đường biển”...
“Từ niềm đam mê nghệ thuật sân khấu, ngay lúc nhỏ tôi đã ấp ủ nguyện vọng trở thành biên đạo múa chuyên nghiệp. Với niềm yêu thích văn hóa dân tộc, đặc biệt là vùng đất võ trời văn, tôi luôn làm mới mình với những ý tưởng độc đáo, sáng tạo nhưng không xóa đi chất truyền thống trong các bài múa”, Lê Nhật Huy chia sẻ.
Hình ảnh cá ngừ đại dương xuất hiện ấn tượng trong một tiết mục múa. Ảnh: NVCC
Để những tác phẩm trở nên sinh động và ấn tượng trong lòng khán giả, anh luôn đổi mới trong cách biên đạo động tác, trang phục cho các diễn viên thể hiện được màu sắc rực rỡ, tinh thần phù hợp với từng tiết mục. Với bề dày kinh nghiệm, Lê Nhật Huy chú trọng đầu tư nhiều đạo cụ biểu diễn “khủng”, được tạo ra từ mô hình 3D, ấn tượng, xuất hiện trong các sự kiện quảng bá văn hóa du lịch. Những hình ảnh quen thuộc, gắn liền với bản sắc văn hóa, lịch sử, con người Bình Định được xuất hiện trên sân khấu như: Cá ngừ đại dương, võ phục Tây Sơn, tháp Bánh Ít, ngư cụ...
Biên đạo Nhật Huy tâm tình: “Những trang phục múa, đạo cụ nhỏ lẻ tôi có thể dễ dàng xử lý, nhưng đối với những đạo cụ có kích thước lớn, tạo hình 3D chiếm diện tích thì gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển và bảo quản. Dẫu vậy, khi diễn trên đất quê hương mình, tôi cảm nhận được sự hào hứng, hân hoan của người dân xứ Nẫu dành cho các tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa, hào hùng, vẻ vang của Bình Định. Lúc đó, mọi mệt mỏi như tan biến, tôi có thêm nhiều động lực để tìm kiếm, sáng tạo ý tưởng mới”.
TÀI NGÂN