Tu bổ, tôn tạo di tích đình làng Vinh Thạnh: Thêm điểm đến văn hóa trên quê hương Ðào Tấn
Sau hơn 1 năm tu bổ, tôn tạo (tháng 4.2023 - 8.2024), di tích đình làng Vinh Thạnh (ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) đã mang diện mạo khang trang. Ðây không chỉ là công trình tri ân tiền nhân, gắn kết cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, mà còn tạo thêm điểm đến du lịch trên quê hương Ðào Tấn.
Đình làng Vinh Thạnh được xây dựng vào khoảng năm 1785 tại xóm Vinh Bắc (nay là thôn Vinh Thạnh 2, xã Phước Lộc), sau đó dời về xây dựng lại tại vị trí hiện nay ở thôn Vinh Thạnh 1. Theo biên bản ghi lại việc đóng góp của cộng đồng dân cư cho lễ tế xuân thu đình Vinh Thạnh viết bằng chữ Hán vào năm Kiến Phúc thứ nhất (năm 1883), có thể ngôi đình xây dựng lại tại vị trí hiện nay vào khoảng năm 1883. Và lần xây dựng lại ngôi đình gần nhất vào năm 1922.
Đình làng Vinh Thạnh được tôn tạo đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về tín ngưỡng văn hóa. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo lời kể của các cụ cao niên ở địa phương, kiến trúc đình làng Vinh Thạnh ngày trước gồm có nhà chánh điện, hai nhà thờ Đông phối - Tây phối quay mặt vào nhau, ở giữa sân là trụ cờ, bức bình phong; hai bên trái - phải của bình phong có trụ biểu tròn đắp rồng quấn quanh, đỉnh trụ là khối vuông rỗng theo kiểu trang trí đèn trụ và trên đỉnh trụ có tượng nghê, cùng nhiều kiến trúc khác…
Trải qua biến thiên của lịch sử, ngôi đình chỉ còn nhà chánh điện, hai bức tượng khuyến thiện, trừng ác trước cửa chánh điện bị phá bỏ; nhà thờ Đông phối - Tây phối cũng không còn…
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, ngôi đình được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng (UBND huyện Tuy Phước hỗ trợ 50% kinh phí, phần còn lại do xã Phước Lộc đối ứng). Giờ đây ngôi đình đã mang diện mạo mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về tín ngưỡng văn hóa, tri ân công đức tiền nhân.
Cụ Phạm Ngọc Lợi (79 tuổi, ở thôn Vinh Thạnh 1), thành viên Ban tế tự đình Vinh Thạnh, cho biết: “Hằng năm, đến ngày rằm tháng Bảy âm lịch, dân làng góp của, góp công tổ chức lễ giỗ Đào Tấn; đến tết Nguyên đán, bà con cử hành lễ tế thành hoàng, cầu mong quốc thái dân an. Chúng tôi rất vui mừng khi Nhà nước quan tâm tôn tạo ngôi đình khang trang, đẹp đẽ và tôn nghiêm. Bà con bàn tính sẽ tổ chức thêm lễ tế thu hằng năm theo tín ngưỡng tâm linh, gắn kết cộng đồng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương”.
Đình làng Vinh Thạnh được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 24.2.2000. Ngôi đình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử trong cộng đồng dân cư địa phương, là nơi thờ thành hoàng làng Đào Tiên Ông (tên húy là Đào Đức Phú) - người có công khai lập làng Vinh Thạnh và Danh nhân văn hóa Đào Tấn - người đóng góp nhiều công sức trong việc xây dựng ngôi đình.
Đình làng Vinh Thạnh được tu bổ, tôn tạo và xây dựng thêm nhiều hạng mục, gồm: Tu bổ di tích gốc chánh điện; xây dựng lại hai nhà thờ Đông phối - Tây phối, nhà soạn lễ; phục chế cột cờ, hai trụ biểu, bình phong; tu sửa dinh Bà trong khuôn viên ngôi đình; xây dựng sân nền, công trình vệ sinh, nhà kho; cải tạo hệ thống cây xanh, hệ thống thoát nước, lắp đặt hệ thống điện… Đặc biệt, đình làng xưa kia có không gian mở, không có tường rào cổng ngõ và đình làng Vinh Thạnh sau khi tôn tạo cũng thể hiện không gian mở theo lối truyền thống.
Ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết: “UBND xã sẽ làm văn bản trình UBND huyện thành lập tổ quản lý, bảo vệ di tích đình làng Vinh Thạnh. Sau đó, chúng tôi sẽ làm các bước tiếp theo, như: Xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ ngôi đình; bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng hệ thống điện, cây xanh, kiến trúc đình làng… nhằm phát huy tốt giá trị di tích gắn phát triển du lịch văn hóa ở địa phương”.
Theo ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cùng với đình làng Vinh Thạnh, huyện đã và đang đầu tư tôn tạo các di tích khác, như: Mộ danh nhân Lê Đại Cang, nhà lưu niệm Xuân Diệu; chùa Bà, cảng thị Nước Mặn - nơi phôi thai chữ quốc ngữ… Cùng với đó, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, khai thác tiềm năng danh thắng, để phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, trải nghiệm…
ÐOÀN NGỌC NHUẬN