Vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NÐ-CP: Tạo đà cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Sau hơn 2 năm triển khai Nghị định số 28/2022/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025, các ngân hàng CSXH trong tỉnh đã kịp thời cung ứng vốn cho người dân đầu tư xây dựng nhà, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Tiếp sức cho người nghèo vươn lên
Trước đây, gia đình chị Đinh Thị Toàn (36 tuổi, dân tộc H’re, ở thôn 4, xã An Hưng, huyện An Lão) là một trong những hộ nghèo của xã. Sau nhiều năm bươn chải với cuộc sống, cái nghèo vẫn đeo bám. Tháng 6.2023, gia đình chị Toàn được Ngân hàng CSXH huyện An Lão hướng dẫn làm hồ sơ vay 100 triệu đồng chương trình cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28, với lãi suất 3,3%/năm, vay trong 5 năm.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định số 28, chị Đinh Thị Toàn (bìa phải, ở xã An Hưng, huyện An Lão) đã đầu tư chăn nuôi trâu, bò, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: D.Đ
Có vốn, chị Toàn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 3 con trâu, 2 con bò giống sinh sản để chăn nuôi. Nhờ áp dụng hiệu quả các tiến bộ KHKT vào chăm sóc, nên đàn trâu, bò của gia đình chị sinh trưởng tốt; chỉ sau một thời gian ngắn, đàn trâu, bò đã sinh sản được 3 nghé con, 2 bê con, bán thu lãi trên 80 triệu đồng, từng bước vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá.
Chị Toàn chia sẻ: “Tôi thấy việc Nhà nước cho hộ nghèo, gia đình còn khó khăn, thiếu vốn được tiếp cận vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi là việc làm rất tốt, giàu ý nghĩa. Bên cạnh cho vay vốn, để giúp chúng tôi làm ăn, phát triển sản xuất, chính quyền và các ngành còn hỗ trợ nhiều mặt, nhất là kỹ thuật sản xuất. Bản thân tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, Ngân hàng CSXH huyện đã quan tâm xét hỗ trợ cho vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi đầu tư chăn nuôi, giúp gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo và ổn định cuộc sống”.
Gia đình chị Lê Thị Thanh (dân tộc Chăm, 24 tuổi, ở làng Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) là hộ nghèo. Trước đây, cả gia đình chị phải sống trong ngôi nhà sàn ẩm thấp, dột nát. Tháng 5.2023, gia đình chị được địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng nhà mới, đồng thời vay thêm 40 triệu đồng từ vốn ưu đãi Nghị định số 28 và cộng thêm kinh phí tự có của gia đình, sự hỗ trợ của bà con trong làng giúp thêm ngày công, gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà mới rộng hơn 60 m2.
Chị Thanh vui mừng cho biết: “Giờ đây, gia đình tôi được ở trong ngôi nhà khang trang hơn trước, con cái có chỗ ăn học đàng hoàng. Tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ được vay thêm vốn ưu đãi đầu tư trồng rừng và phát triển chăn nuôi, mục tiêu là trả hết nợ và thoát nghèo bền vững”.
Theo Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn làng Hiệp Hưng (xã Canh Hiệp) Đoàn Văn Diệm, đến nay, tổng dư nợ vốn theo Nghị định số 28 của tổ đạt 320 triệu đồng/8 hộ vay xây dựng nhà ở. Để nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, tổ đã phối hợp với cán bộ ngân hàng phụ trách xã, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể tổ chức thẩm tra điều kiện hộ vay vốn, bình xét công khai, thẩm định tiến độ xây dựng và giải ngân nguồn vốn một lần. Hiện, 100% các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, đã xây dựng nhà ở và thoát nghèo.
Gần 1.500 hộ được tiếp cận vốn vay
Chương trình chính sách tín dụng theo Nghị định số 28, bao gồm các khoản cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, đầu tư và hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, sản xuất theo chuỗi giá trị. Đối tượng cho vay vốn là hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS), dân tộc Kinh cư trú ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; gia đình, DN, HTX và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người DTTS…
Theo ông Lê Văn Quy, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện An Lão, thực hiện Nghị định số 28, từ tháng 5.2022 đến hết tháng 12.2023, đơn vị đã giải ngân cho vay đối với người dân trên địa bàn huyện với tổng số vốn là 23,7 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ nhà ở trên 20 tỷ đồng, với 502 hộ vay; cho vay chuyển đổi nghề hơn 3,4 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ đất ở là 150 triệu đồng, với 3 hộ vay.
“Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo cho các điểm giao dịch, Tổ Vay vốn và Tiết kiệm phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa bàn tăng cường tuyên truyền để các hộ dân biết những quy định về chính sách tín dụng theo Nghị định số 28; đồng thời, làm tốt công tác giám sát sử dụng nguồn vốn vay, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, từ đó phát huy hiệu quả nguồn vốn”, ông Quy cho biết.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Nguyễn Ngọc Thơ thông tin, theo thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, thực hiện chương trình tín dụng theo Nghị định số 28, tính đến ngày 31.8.2024, các Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân đã giải ngân số vốn trên 71,3 tỷ đồng, với 1.486 lượt hộ được vay vốn; dư nợ cho vay gần 68,9 tỷ đồng, với 1.381 hộ đang còn dư nợ, tạo động lực giúp người DTTS trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường rà soát và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình tín dụng theo Nghị định số 28; tăng cường hướng dẫn các hộ dân hoàn thiện hồ sơ, thẩm định chặt chẽ bảo đảm cho vay đúng đối tượng, giúp người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương”, ông Thơ nói.
DUY ÐĂNG