Bảo tồn, phát huy nghề chằm nón ngựa Phú Gia
Nghề chằm nón ngựa Phú Gia vừa được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phóng viên Báo Bình Định trao đổi với Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh về câu chuyện bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được người dân thôn Phú Gia, xã Cát Tường gìn giữ gần 300 năm nay.
* Những nét đặc sắc nào của nghề chằm nón ngựa Phú Gia khiến nghề được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thưa ông?
- Nón ngựa là sản phẩm đặc trưng của văn hóa trang phục, có giá trị mỹ thuật cao và là sản phẩm đặc trưng làng nghề của Bình Định. Ngày xưa, loại nón này chỉ được dành cho giới chức sắc, thượng lưu, quyền quý. Những mẫu hoa văn đa dạng thêu trên nón vừa gợi chất cao sang, quý phái, vừa thể hiện nét trang nhã, mềm mại và trở thành nét đặc trưng của nón ngựa Phú Gia.
Nón ngựa Phú Gia được làm thủ công với nhiều công đoạn công phu, mỗi công đoạn lại yêu cầu cách thức khác nhau. Để làm ra một chiếc nón ngựa, nghệ nhân phải thực hiện 10 công đoạn, từ tạo sườn cho đến thêu thuyền, kết lá…
Nón có kết cấu rất đặc biệt và rất bền chắc, nguyên liệu làm nón là lá kè (lá nón), ống giang (cật), rễ dứa… kết thành 10 lớp. Mỗi chiếc nón ngựa nếu được làm bài bản, đúng kỹ thuật và giữ gìn cẩn thận sẽ có độ bền sử dụng có thể lên đến cả trăm năm. Thực tế thì hiện một vài gia đình tại thôn Phú Gia vẫn lưu giữ nhiều chiếc nón ngựa được ghi nhận có đến 200 năm tuổi.
Nón ngựa Phú Gia được làm thủ công với nhiều công đoạn công phu, mỗi công đoạn lại yêu cầu thực hiện với cách thức khác nhau. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
* Việc được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa thế nào đối với làng nghề truyền thống này?
- Với những giá trị văn hóa đặc sắc nêu trên, nghề chằm nón ngựa Phú Gia được Bộ VH-TT&DL ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 956/QĐ-BVHTTDL ngày 9.4.2024. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 5 của Bình Định được ghi danh.
Việc được tôn vinh góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này; khẳng định vai trò của nghề truyền thống trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương, tôn trọng giá trị của di sản tại vùng đất Bình Định, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định nói chung, huyện Phù Cát nói riêng.
* Ngành Văn hóa có kế hoạch gì trong công tác quản lý, bảo tồn giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề chằm nón ngựa Phú Gia?
- Để bảo tồn và phát huy nghề chằm nón ngựa Phú Gia, bên cạnh sự chủ động quan tâm của huyện Phù Cát, Sở VH&TT cũng sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn, tham gia phối hợp với địa phương và các ngành liên quan trong quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết làng nghề, trong đó lưu ý đến các thiết chế truyền thống và không gian sử dụng nón ngựa để hình thành các dịch vụ phục vụ du lịch.
Cùng với đó sẽ đẩy mạnh việc kết nối với các tổ chức, công ty lữ hành du lịch để có kế hoạch phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của các đoàn khách trong nước và quốc tế. Từ đó, liên kết, phát triển thị trường tiêu thụ, lan tỏa các giá trị di sản làng nghề truyền thống gắn kết với phát triển du lịch. Đề ra phương án, chương trình bảo vệ, phát huy giá trị, kêu gọi sự ủng hộ, kết nối hoạt động du lịch có gắn kết với giá trị di sản nghề chằm nón ngựa Phú Gia. Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghề chằm nón ngựa Phú Gia.
* Ngoài công tác bảo tồn, theo ông, địa phương nên quan tâm đến việc khai thác, phát huy tiềm năng và tính sáng tạo của chủ thể đang nắm giữ, thực hành di sản này như thế nào?
- Mấy năm gần đây, cùng những chiếc nón ngựa truyền thống, một số nghệ nhân làng nghề Phú Gia còn chế tác ra nhiều mẫu nón cách tân, đó là chỉ giữ lại những công đoạn chính trong quy trình làm nón ngựa truyền thống, một số nguyên liệu làm nón cũng được thay đổi để phù hợp với xu hướng thị trường. Điều đáng mừng là hiện nay, nón ngựa Phú Gia đã có mặt ở khắp nơi, từ Bắc vào Nam và cả nước ngoài. Bên cạnh đó, làng nón Phú Gia cũng trở thành một điểm nhấn du lịch ở các tour về Bình Định. Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam. Mỗi phiên chợ (5 ngày một phiên) có gần 1.000 chiếc nón ngựa Phú Gia được xuất đi các tỉnh, thành khắp cả nước. Những kết quả phấn khởi nêu trên là động lực để những người ở làng nón ngựa Phú Gia quyết tâm giữ nghề, giữ nét văn hóa, tinh hoa của cha ông ngày trước.
Với vai trò vừa là chủ thể sở hữu, vừa giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội, đội ngũ nghệ nhân làng nghề được cộng đồng đánh giá, nhìn nhận là “những báu vật sống” của địa phương. Do vậy, việc chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với nghệ nhân, hỗ trợ đào tạo đội ngũ kế thừa là nhiệm vụ cốt lõi, góp phần rất lớn vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghề chằm nón ngựa Phú Gia cũng như việc phát triển làng nghề trong thời gian tới.
* Xin cảm ơn ông!
KIỀU VY (Thực hiện)