Tỉnh táo nhận diện đúng-sai khi “bão” tin giả hoành hành trong bão lũ
Lợi dụng tình hình bão lũ, tin giả lại hoành hành. Theo các chuyên gia, người dân nên tỉnh táo chọn lựa nguồn tin đáng tin cậy, tránh hoang mang, lo sợ, dẫn đến bị kẻ xấu lợi dụng.
Bão số 3 đang gây ảnh hưởng nặng nề ở miền Bắc. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
“Hà Nội sắp cắt điện toàn thành phố,” “vỡ đê”, “nhắn tin theo cú pháp để có mạng miễn phí”… Đó là những dòng tin giả liên quan đến cơn bão số 3 được lan truyền trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.
Tin giả nhưng hệ quả là thật. Biết bao người dân hoang mang lo lắng, tích trữ thực phẩm, thậm chí bị lừa tiền.
Lợi dụng tình hình bão lũ, làn sóng tin giả lại trỗi dậy, gây nhức nhối dư luận. Và, dù với bất cứ mục đích gì, “câu like”, “tỏ ra hiểu biết” hay trục lợi thì việc đưa những thông tin giả mạo về thiên tai mà người dân miền Bắc đang phải gánh chịu là rất đáng lên án.
Tin giả, hệ quả thật
Trước khi bão Yagi đổ bộ, chị Hoàng Lan (Hà Nội) tranh thủ hoàn tất công việc ở cơ quan để về nhà sớm hơn thường lệ. Chạy vội ra siêu thị mua rau cho bữa cơm chiều như thường lệ, chị “choáng váng” khi thấy các kệ hàng đã hết sạch rau xanh, chỉ còn vài thứ rau gia vị.
Thì ra, ngày hôm đó, mạng xã hội xuất hiện thông tin khan hiếm thực phẩm khiến người dân vội vàng tích trữ, mua sắm nhiều hơn nhu cầu thực tế. Những người như chị Lan đành “tặc lưỡi” ra về.
Trước khi bão về, quầy rau tại các siêu thị đều hết sạch. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Bão về, mạng xã hội lại rộ lên thông tin “sẽ cắt điện toàn thành phố lúc 18 giờ” khiến các bà nội trợ vội vàng nấu cơm tối từ 3 giờ chiều.
Mới đây, những người đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về việc "vỡ đê" đã bị công an tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương triệu tập và phạt hành chính.
Chưa dừng lại ở đó, rất nhiều người dùng Internet chia sẻ thông tin về việc Viettel Telecom sẽ cung cấp sóng di động miễn phí cho những người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Cụ thể, thông tin cho rằng khi không có wifi, người dân có thể nhắn tin theo một số cú pháp gửi 191 để có mạng. Đại diện nhà mạng Viettel Telecom vừa khẳng định các cú pháp trên đều là giả.
Trong khi nhiều địa phương đang hết sức nỗ lực xử lý các vấn đề do mưa bão, sạt lở, lũ quét hoành hành, gây mất mát lớn cả về người và tài sản, những hành vi lan truyền thông tin sai lệch không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống bão lụt và tình hình an ninh, trật tự.
Bộ Công an đã khuyến cáo người dân cần tỉnh táo với nội dung trên mạng xã hội; cần theo dõi thông tin chính thức tại các website, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức Nhà nước; không chia sẻ thông tin khi chưa kiểm chứng chính xác.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, PGS.TS Hà Huy Phượng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay bên cạnh thông tin chính thống, nhanh nhạy của báo, đài và các trang mạng của Nhà nước vẫn còn không ít các cá nhân sử dụng mạng xã hội thông tin sai lệch như vỡ đê, cúp điện diện rộng, phong tỏa... khiến cho người dân hoang mang; gây trở ngại công tác điều hành phòng tránh thiên tai của cơ quan chức năng.
PGS.TS Hà Huy Phượng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ảnh: NVCC
“Không chỉ là vấn đề thiên tai, mà bất kỳ sự kiện gì có ảnh hưởng đến xã hội, chúng ta đều thấy xuất hiện những thông tin thiếu trách nhiệm, thậm chí là vô đạo đức, gây thêm nỗi lo cho cộng đồng do những kẻ xấu, thế lực thù địch, hay những người kém hiểu biết về luật pháp đăng tải. Người tiếp nhận thông tin nếu không tỉnh táo nhận diện đâu là đúng-sai, sẽ rất dễ có những hành vi tiêu cực, gây hậu quả xấu cho cá nhân và tổ chức”, ông Hà Huy Phượng chia sẻ.
Ông Phượng nói thêm rằng cộng đồng mạng xã hội thời điểm này cũng đã kịp chuyển tải nhiều thông điệp tích cực để cùng chia sẻ khó khăn, mất mát với đồng bào hoạn nạn.
“Những lúc gian khó, người ta nói thật, hành động thật và tẩy chay những thông tin cá nhân nhiễu nhương, những comment vô đạo đức, thiếu trách nhiệm”, ông Phượng nói.
Duy trì dòng tin chính thống, chủ lực
Theo ông Hà Huy Phượng, để giảm thiểu thông tin sai sự thật, các cơ quan báo chí phải đi đầu. Thông tin báo chí phải là dòng tin tức chủ lực. Báo chí, nhất là các đài phát thanh, truyền hình quốc gia, ngành, địa phương phải đưa tin nhanh, kịp thời, chính xác về tình hình lụt bão, dự báo thời tiết. Báo in, báo mạng điện tử cần tận dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội để đưa tin nhanh chóng đến công chúng.
“Trong cơn bão số 3, VTV, VOV, VNEWS, nhiều đài, báo địa phương đã đưa tin rất nhanh, cập nhật, tin cậy. Tôi thường xuyên xem VTV1 để cập nhật tin tức về bão lũ. Tôi cũng thường xuyên theo dõi các kênh mạng xã hội của các báo địa phương để nắm tin tức, chẳng hạn, livestream từ Fanpage Báo Tuyên Quang cập nhật gần như 24/24 giờ”, ông Hà Huy Phượng cho biết.
Theo ông Phượng, ngoài việc đưa tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, sinh động thì các cơ quan báo chí cũng cần phản bác các tin tức sai sự thật đang lan truyền trên mạng xã hội để định hướng dư luận xã hội
“Trong sự nhiễu loạn thông tin từ các luồng, chắc chắn người dân sẽ tin vào nguồn thông tin chính thống. Nếu thông tin chính thống chậm, chung chung, thậm chí võ đoán, chưa chính xác, công chúng sẽ tin theo thông tin trôi nổi, sai trái từ mạng xã hội”, ông Phượng bày tỏ.
Nghiên cứu sinh Lê Anh Tú, Giảng viên khoa Quan hệ Công chúng-Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC
Nghiên cứu sinh Lê Anh Tú, Giảng viên khoa Quan hệ Công chúng-Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh), Giám đốc điều hành iGem Agency cũng đồng tình với quan điểm này.
Ông Tú cho rằng sự nhanh nhạy, kịp thời, chính xác của báo chí là vô cùng cần thiết. Báo chí phải là những đơn vị tiên phong mang lại thông tin chính thống cho người dân, giúp người dân an tâm về công tác phòng chống, ứng phó bão lũ của Chính phủ. Báo chí cần đẩy mạnh các sản phẩm báo chí đa phương tiện (multimedia article) để tiếp cận hiệu quả, nhanh chóng đến bạn đọc.
Đối với người dân, để đối phó với tin giả ngày càng tinh vi, ông Tú cho rằng tốt nhất là nên theo dõi thông tin tại các trang mạng xã hội chính thống của các báo, đài; không nên xem các nguồn không kiểm chứng và bị chi phối từ kẻ xấu, có mục đích lợi dụng tình hình bão lũ để chia rẽ khối đoàn kết toàn dân.
Ông Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus cho hay ngay từ khi cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo về mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão số 3, tòa soạn đã lên kế hoạch thông tin, phân công phóng viên, bố trí các kíp trực, lập chủ đề “Cơn bão số 3”, làm live về cơn bão, tập hợp các thông tin liên quan ở nhiều loại hình: Tin, bài, chùm ảnh, video, short video, webstory, đồ họa, podcast…
Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Khi cơn bão đổ bộ vào Hà Nội, đội ngũ phóng viên của báo không quản ngại khó khăn, trực tiếp tại hiện trường, thậm chí tác nghiệp xuyên đêm, phản ánh diễn biến tình hình, ghi lại những khoảnh khắc chân thực về sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão lịch sử, những nỗ lực của chính quyền, người dân chống chọi với bão… kịp thời cảnh báo, đảm bảo thông tin nhanh, chính xác và an toàn.
Đến nay, chuyên mục “Cơn bão số 3” đã phát được 658 tin bài, riêng hai ngày cuối tuần (7-8.9), các phóng viên đã sản xuất được gần 150 sản phẩm báo chí, cập nhật những thông tin chính thống đến với bạn đọc.
“Ngoài việc ghi nhận tình hình thực tế, đội ngũ phóng viên, biên tập viên còn có những bài viết chuyên sâu, tập hợp ý kiến, khuyến cáo của các chuyên gia, các cơ quan chức năng về công tác phòng chống bão lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sau bão, đảm bảo an toàn cho người dân. Là cơ quan báo chí chính thống, chúng tôi cố gắng cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác đồng thời phản bác, đính chính những thông tin sai lệch, tránh để người dân hoang mang”, nhà báo Trần Tiến Duẩn cho biết.
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc đưa tin sai sự thật, đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội khi tình hình bão lũ đang diễn ra phức tạp là hành vi vi phạm pháp luật cần phải được lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Một số thông tin giả trên mạng. (Ảnh chụp màn hình)
Theo ông Tuấn, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật…
Trường hợp hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 7 năm, bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn khuyến cáo người sử dụng mạng xã hội cần kiểm chứng nguồn thông tin. Đối với mạng xã hội, những fanpage chính thống của cơ quan, báo chí, tổ chức thường có dấu tích xanh để xác thực. Người dùng mạng xã hội cần quan sát và phân biệt rõ các fanpage chính thống và giả mạo để tránh chia sẻ các thông tin sai sự thật.
Theo Minh Thu (Vietnam+)