Khám phá làng nghề dệt chiếu cói ở Hoài Nhơn
Bình Định từ lâu đã nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống. Một trong những làng nghề nổi bật là dệt chiếu cói tại xã Hoài Châu Bắc, TX Hoài Nhơn. Một ngày đầu thu tháng 8 (âm lịch), đi dọc trên QL 1 qua nơi này, chúng tôi ghé thăm những cánh đồng cói xanh mướt đang thu hoạch vụ mùa. Tiếng máy cắt, tiếng chặt tay, tiếng chẻ cói vang lên giữa đồng xanh.
Đây là nghề truyền thống lâu đời của địa phương, người dân nơi đây canh tác và thu hoạch cói mỗi năm 2 vụ.
Cói còn gọi là lác, loại cây thân thảo, mềm, xốp, mọc hoang nơi đầm lầy hoặc trồng ở những ruộng bị nhiễm phèn chua.
Cói sau khi thu hoạch sẽ được người dân chọn các sợi cói đảm bảo chất lượng đem chẻ và phơi khô ngay tại ruộng. Khi cói đủ nắng người dân bắt đầu thu gom lại và chở về nhà.
Chiếu cói ở Hoài Nhơn có hai loại là chiếu trơn và chiếu hoa. Chiếu trơn thì được dệt từ cói trắng mộc mạc, bình dị. Còn chiếu hoa thì được dệt từ các sợi cói trắng xen kẽ các sợi cói đã được nhuộm màu để tạo ra chiếc chiếu có hoa văn độc đáo.
Hiện nay, nghề làm chiếu cói được hỗ trợ bởi máy móc cho ra năng suất cao, nhưng song song với đó, để giữ lại nét đặc trưng truyền thống, nhiều công đoạn chặt, chẻ vẫn dùng những công cụ mà ông cha xưa truyền lại.
Làng nghề dệt chiếu cói ở Hoài Nhơn đã có lịch sử hơn 300 năm và được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống.
Hằng năm, vào ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch, dân làng nghề chiếu cói đóng góp dâng hương lên ông tổ nghề. Tưởng nhớ lại người đã khai sinh ra làng nghề này, giúp cho người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
HUỲNH NGUYÊN (Thực hiện)