Triển khai liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính khai sinh, khai tử: Phát sinh vướng mắc cần tháo gỡ
Hơn 2 tháng triển khai Nghị định số 63/2024/NÐ-CP về thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính khai sinh, khai tử, những tiện ích, thuận lợi đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó, một số khó khăn, vướng mắc đã phát sinh trong thực tiễn, cần có giải pháp tháo gỡ, nhằm phát huy hiệu quả của việc liên thông điện tử.
Thí điểm và nhân rộng
Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10.6.2024 của Chính phủ quy định việc thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC): “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất” chính thức triển khai từ đầu tháng 7.2024.
Người dân thực hiện nhóm thủ tục “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” dưới sự hướng dẫn của ĐVTN phường Bình Định (TX An Nhơn). Ảnh: N.MUỘI
Được UBND tỉnh giao triển khai Nghị định số 63/2024/NĐ-CP, Văn phòng UBND tỉnh đã hoàn thành việc kết nối, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh (Hệ thống VNPT-iGate) với Phần mềm dịch vụ công liên thông của Bộ CA và Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp. Qua đó, đảm bảo điều kiện cho việc tiếp nhận, giải quyết liên thông điện tử 2 nhóm TTHC khai sinh, khai tử được nộp hồ sơ từ Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng quy định. Bình Định là 1 trong 7 địa phương đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành việc kết nối, liên thông Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Phần mềm dịch vụ công liên thông.
Để việc thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh thuận lợi, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với UBND TP Quy Nhơn triển khai thử nghiệm việc cung cấp 2 dịch vụ công liên thông khai sinh, khai tử tại UBND các xã, phường trên địa bàn TP Quy Nhơn từ ngày 22 - 30.7.2024. Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý, khắc phục một số vấn đề liên quan đến lỗi kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu hồ sơ giữa các hệ thống phần mềm và hoàn thiện hơn nữa Hệ thống VNPT-iGate, đảm bảo xử lý nghiệp vụ thông suốt các hồ sơ TTHC thuộc 2 dịch vụ công liên thông nói trên.
Sau triển khai thử nghiệm, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với CA tỉnh, Sở Tư pháp và VNPT Bình Định tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giải đáp mọi thắc mắc phát sinh cho lãnh đạo, công chức phòng Tư pháp 11 địa phương cấp huyện và lãnh đạo UBND cấp xã, công chức Tư pháp - Hộ tịch của 159 xã, phường, thị trấn, triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 5.8.2024.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Việc triển khai 2 nhóm TTHC liên thông điện tử khai sinh, khai tử không chỉ giúp người dân giải quyết 3 - 4 TTHC chỉ trong một lần khai báo thông tin, mà còn giúp cắt giảm bớt các giấy tờ, thời gian giải quyết, đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian đi lại. Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giảm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, thời gian luân chuyển hồ sơ; khắc phục tình trạng sai lệch thông tin, đơn giản hóa TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính Nhà nước.
Song, thực tiễn triển khai vẫn phát sinh một số khó khăn, hạn chế. Anh Nguyễn Chí Nguyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND xã Cát Minh, huyện Phù Cát, cho biết: Hạ tầng kỹ thuật của các phần mềm liên thông vận hành chưa được thông suốt nên đôi lúc còn bị lỗi, trục trặc, gây khó chịu cho người dân. Hai nhóm TTHC liên thông điện tử này chưa thể thao tác trên điện thoại thông minh, hiện chỉ thực hiện trên máy tính, phần lớn người dân vùng nông thôn ít tiếp xúc với máy tính nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Chị Trần Thị Thu Sương, công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, thông tin thêm: Hiện nay, đa số công dân không thể tự nộp hồ sơ liên thông được, đặc biệt là những người lớn tuổi, nên người phụ trách tiếp nhận hồ sơ phải hỗ trợ họ. Trong nhóm thủ tục “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi”, riêng nội dung đăng ký thường trú thường gặp khó khăn ở chỗ, khi nộp hồ sơ phải đính kèm tờ khai có sự đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu hợp pháp, ý kiến của cha mẹ, nhưng có những trường hợp chủ hộ hay cha mẹ, hay chủ sở hữu hợp pháp chỗ ở đi làm xa, không lấy ý kiến được.
Với nhóm thủ tục “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất”, trường hợp người chết là chủ hộ thì không thể đăng ký liên thông được, vì nếu xóa đăng ký thường trú thì tức là xóa luôn cả hộ đó; người dân phải làm thủ tục thay đổi chủ hộ trước khi làm khai tử, mất rất nhiều thời gian. Nhiều người dân lớn tuổi, chưa làm CCCD cũng không thể làm liên thông được, vì trong đăng ký liên thông, ở phần khai về người chết, có yêu cầu số CCCD và ngày cấp…
Bà Dương Vĩnh Ngọc, Phó Chánh Văn phòng BHXH tỉnh phụ trách Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, cho hay: Tại cấp xã, phường - nơi khai báo hồ sơ ban đầu, nhiều công chức Tư pháp - Hộ tịch không nắm được quy định về điều kiện thân nhân hưởng trợ cấp tuất nên nhiều trường hợp đăng ký hưởng chế độ tử tuất cũng gặp khó khăn, nhiều hồ sơ không hợp lệ. Sắp tới, ngành BHXH sẽ triển khai tập huấn tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai 2 dịch vụ công liên thông khai sinh, khai tử.
NGUYỄN MUỘI