Ðừng chủ quan với bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ do cấu trúc tai chưa hoàn chỉnh. Tai trong được kết nối với mặt sau của cổ họng bằng một ống nhỏ, gọi là ống thính giác. Trong trường hợp bình thường, ống này vẫn mở, cho phép chất lỏng, cùng tạp chất dư thừa thoát khỏi tai vào mặt sau của cổ họng. Khi ống này bị đóng lại, chất thải không thoát được, vi khuẩn hoặc vi trùng sẽ kẹt bên trong tai, gây nhiễm trùng. Ở trẻ em, ống thính giác ngắn hơn người lớn nên dễ bị tắc.
Ngoài lý do khó tránh kể trên, một số yếu tố cũng đặt trẻ vào tình trạng dễ mắc bệnh như thường bắt nguồn từ cảm lạnh; viêm tai giữa là một trong những hậu quả khi trẻ ở môi trường nhiều khói thuốc lá; khi trẻ bị viêm mũi họng, vi khuẩn sẽ từ các ổ viêm này lan lên tai gây viêm tai giữa; nhiều trẻ bú bình có khả năng bị viêm tai giữa hơn trẻ bú mẹ, do khi trẻ nằm và mút sữa bình thì sữa từ trong tai có thể tràn vào ống thính giác, gây viêm; viêm tai do bơi lội…
Bác sĩ Hoàng Thị Thanh Bình, Khoa Răng Hàm Mặt - Mắt - Tai Mũi Họng (TTYT TP Quy Nhơn), cho biết: “Ở trẻ em, các triệu chứng chủ yếu của viêm tai giữa là đau tai, nhất là khi nằm xuống; kéo tai; khó ngủ; khóc nhiều hơn bình thường; cáu kỉnh hơn bình thường; khó nghe hoặc phản ứng với âm thanh; mất cân bằng; nhức đầu; sốt 380C hoặc cao hơn; chán ăn; ói mửa, tiêu chảy; thoát nước từ chất lỏng từ tai”.
Để có thể chăm sóc tốt cho trẻ, cần đặt trẻ ngồi cao khi bú bình, không cho ngậm bình sữa khi ngủ để tránh sữa chảy vào tai. Cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ. Giữ ấm cho trẻ nhỏ, tránh để trẻ tiếp xúc với trẻ bị bệnh. Để trẻ tránh xa môi trường có khói thuốc lá hoặc bị ô nhiễm. Không nên cho trẻ cai bú sớm, cho trẻ bú tới khi nào trẻ không bú nữa mới thôi; nếu không có điều kiện thì cần cho trẻ bú mẹ ít nhất là 6 tháng đầu. Giữ cho trẻ luôn sạch sẽ, nhất là bàn tay, mũi họng. Dùng tăm bông thấm sạch tai nếu tai trẻ bị dính nước, có thể dùng tăm bông tẩm nước muối sinh lý vệ sinh tai, mũi cho trẻ, nhưng sau đó phải dùng tăm bông sạch thấm khô tai, tránh việc tích tụ nước gây viêm nhiễm.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)