Hoài Ân dân vận khéo trong phát triển kinh tế
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền ở huyện Hoài Ân đã tăng cường nhân rộng các mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế, thu hút đông đảo người dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình kinh tế mới, góp phần nâng cao thu nhập, hoàn thành chỉ tiêu phát triển KT-XH ở các địa phương.
Những năm trước đây, trên mảnh đất đồi gần 2 ha, gia đình chị Nguyễn Thị Thơm (40 tuổi, ở thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh) chủ yếu trồng keo lai, hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2021, được sự vận động, hướng dẫn của Hội Nông dân xã và Hội LHPN xã Ân Thạnh, chị Thơm vay tín chấp 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư, chuyển sang trồng 450 cây ổi lê Đài Loan xen canh 150 gốc bưởi da xanh.
Mô hình trồng xen canh ổi lê Đài Loan và bưởi da xanh của gia đình chị Nguyễn Thị Thơm (ở thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: D.Đ
Đây là mô hình được khối dân vận xã chọn làm mô hình điểm dân vận khéo và tổ chức nhân rộng, nên cán bộ Hội Nông dân xã, thôn thường xuyên đến vườn hướng dẫn chị Thơm các kỹ thuật cắt tỉa cành, bón phân, ứng dụng các tiến bộ KHKT vào chăm sóc cây…, nhờ đó cây trồng phát triển rất tốt. Đến nay, với 450 gốc ổi, 150 gốc bưởi, mỗi năm gia đình chị thu lãi trên 100 triệu đồng. Chị Thơm chia sẻ: “Lúc đầu gia đình tôi cũng gặp khó khăn trong việc chăm sóc, vì đây là những giống cây trồng mới, nhờ khối dân vận xã cùng sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên gia đình trồng thử, bước đầu đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập của gia đình cũng tăng lên”.
Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có chỉ tiêu đến năm 2025 hạ tỷ lệ hộ nghèo còn 2,5%, Đảng ủy xã Ân Thạnh đã xây dựng các kế hoạch nhằm cụ thể hóa, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trong đó, Đảng ủy chú trọng chỉ đạo MTTQ xã và các tổ chức thành viên vận động các đoàn viên, hội viên, người dân phát triển kinh tế; đồng thời, hỗ trợ trực tiếp cây, con giống, hướng dẫn vay vốn, kỹ thuật chăm sóc…
Ông Nguyễn Đô, Bí thư Đảng ủy xã Ân Thạnh cho hay, nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp, hiện trên địa bàn xã đã xây dựng 5 mô hình dân vận khéo về nuôi bò vỗ béo, trồng cây ăn quả, rau an toàn... Thông qua các mô hình, người dân đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, cho thu nhập cao, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển hơn.
Theo Ban Dân vận Huyện ủy Hoài Ân, thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo, các cấp ủy đảng, chính quyền và khối dân vận các xã trên địa bàn huyện đã xây dựng 62 mô hình trên lĩnh vực kinh tế. Các mô hình phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Còn tại xã Ân Hảo Tây, những năm qua, Đảng ủy xã cũng chỉ đạo cho MTTQ và các tổ chức thành viên tăng cường công tác vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua lao động sản xuất và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Ông Trần Duy Khánh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ân Hảo Tây cho hay, hiện xã có 8 mô hình, tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, bưởi da xanh, dừa và lúa theo hướng hữu cơ canh tác trên diện tích 156 ha, với 80 nông hộ tham gia… Những mô hình, tổ hợp tác này góp phần tăng thu nhập cho người dân, hạ tỷ lệ hộ nghèo của xã.
Bà Nguyễn Đặng Thị Thu Hòa, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác dân vận, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thời gian tới, Huyện ủy sẽ chỉ đạo chính quyền, MTTQ và tổ chức thành viên các cấp tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trong phong trào thi đua dân vận khéo phù hợp và sát với thực tiễn của các địa phương, đơn vị; vận động người dân chủ động chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi mới; tăng cường xây dựng các mô hình dựa theo chuỗi liên kết, nhằm nâng cao giá trị nông sản của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.
DUY ĐĂNG