Thu nhập ổn định từ trồng dâu, nuôi tằm
Xã An Hòa, huyện An Lão đã và đang mạnh dạn chuyển đổi những ruộng bắp, ruộng lúa thiếu nước, đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm gắn với liên kết sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân đã làm giàu, có thu nhập ổn định từ mô hình tiềm năng này.
Những ngày này, gia đình ông Trần Văn Mót, ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa đang tập trung nhân lực thu hoạch kén tằm cung ứng cho đơn vị thu mua. Gắn bó với nghề trồng dâu, nuôi tằm hơn 15 năm, ông Mót cho hay, trước đây kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào trồng lúa, hoa màu, hiệu quả kinh tế không cao. Để cải thiện thu nhập, gia đình ông đã chuyển đổi 0,7 ha đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
“Trên diện tích 0,7 ha đất trồng dâu, một năm gia đình tôi nuôi được khoảng 8 - 9 lứa tằm. Với năng suất kén đạt khoảng 60 kg/lứa, tôi lãi gần 80 triệu đồng/năm, cao hơn khoảng 5 - 6 lần so với trồng lúa, hoa màu”, ông Mót chia sẻ.
Trên ruộng dâu xanh mướt của gia đình ông Trần Văn Tâm, thôn Vạn Long, xã An Hòa, cả gia đình đang hái lá dâu. Chỉ tay về cánh đồng dâu rộng khoảng 1 ha, ông Tâm cho biết: Cây dâu rất hợp với đồng đất An Hòa. Với 1 ha dâu, bình quân mỗi tháng, gia đình tôi nuôi 2 lứa, mỗi lứa 7 nong giống thu được gần 80 kg kén, với giá bán từ 150 - 170 nghìn đồng/kg kén, tôi thu lãi hơn 10 triệu đồng/tháng.
Được biết, xã An Hòa có gần 50 ha dâu, tập trung ở các thôn Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Xuân và Trà Cong. Xã cũng đã thành lập 1 HTX, 1 chi hội nghề nghiệp và 2 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. Từ đầu năm đến nay, người dân trong xã nuôi trên 300 vòng tằm, mang lại nguồn thu gần 10 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão, cho biết: Việc trồng dâu nuôi tằm không đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng môi trường nuôi tằm phải luôn luôn sạch sẽ, thoáng mát, do vậy phù hợp với trình độ sản xuất của nhiều nông dân trên địa bàn xã. Cùng với việc phát triển diện tích, Hội sẽ tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; tiến hành trồng cây dâu hữu cơ không sử dụng phân bón, hóa chất vô cơ; đưa máy móc hiện đại vào các quy trình làm đất, làm cỏ cho cây dâu. Tuyên truyền, hướng dẫn thành lập các HTX, tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. Đây chính là các đầu mối trung gian kết nối giữa hộ nông dân với DN trong thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
DIỆP THỊ DIỆU