Phát huy vai trò người có uy tín
Những năm qua, đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng làng, ĐVTN trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bằng vị thế của mình do chính cộng đồng suy tôn, đã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân ở địa phương cùng phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng khu dân cư đoàn kết, phát triển.
Đối với những người dân ở khu phố Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh), ông Nguyễn Thanh Bình (65 tuổi, dân tộc Bana) là người luôn gương mẫu, tích cực đi đầu trong việc làng, việc nước nên được bà con tin tưởng, quý mến. Sau khi nghỉ hưu, từ năm 2011 đến nay, ông được người dân trong khu phố tín nhiệm, bầu chọn làm người có uy tín và tham gia tổ hòa giải của khu phố.
Ông Nguyễn Thanh Bình (thứ hai từ phải qua), ở khu phố Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh cùng cán bộ khu phố ghi nhận tình hình ANTT tại địa bàn. Ảnh: T.C
Để thực hiện hiệu quả công tác hòa giải, ông Bình thường xuyên phối hợp với Ban quản lý, Ban Công tác Mặt trận khu phố tổ chức các buổi tuyên truyền bà con thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phân tích cái đúng, cái sai, giúp người dân tự phân biệt, nâng cao cảnh giác... Qua đó, ông đã tham gia xử lý thành công trên 50 vụ mâu thuẫn ở cơ sở.
Như trường hợp của anh L.V.G. (dân tộc Chăm) có thời gian đi làm ăn ở tỉnh Phú Yên và manh nha tham gia đạo Tin lành Đề Ga. Khi trở về địa phương, anh G. lôi kéo người thân trong gia đình cùng tham gia đạo, nhưng bị phản đối và gây mâu thuẫn trong gia đình. Sau khi biết thông tin, ông Bình đã đến nhà hòa giải nhiều lần và phân tích, nhờ đó, anh G. hiểu đây là đạo trái phép theo quy định của Nhà nước và không còn tham gia, tu chí làm ăn.
Ông Bình cho biết: “Để làm tốt công tác hòa giải, trước hết tôi phải tự nghiên cứu kỹ các bộ luật liên quan, nắm chắc những nội dung cốt lõi để giảng giải cho người dân nắm, hiểu rõ. Cùng với đó, khi thực hiện hòa giải, mình cũng phải gần gũi, lắng nghe nguyện vọng của bà con để giúp đỡ, tạo sự tin tưởng thì bà con mới nghe, làm theo”.
Tại làng Kon Mon, xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn), anh Đoàn Văn Vịa (31 tuổi, dân tộc Chăm Hroi) là một trong những thanh niên điển hình trong phát triển kinh tế hiệu quả. Anh Vịa cho biết, trước đây gia đình anh rất nghèo, nhưng với quyết tâm vươn lên, anh đã tự học hỏi và phát triển thành công mô hình nuôi dê, trồng 5 ha keo lai, nuôi gà…, có nguồn thu nhập ổn định mỗi năm gần 120 triệu đồng.
Không những làm giàu cho bản thân, bằng uy tín của mình, anh còn phối hợp với Ban quản lý, Ban Công tác Mặt trận và các hội, đoàn thể trong làng giúp đỡ, hướng dẫn các hộ nghèo trong làng tham quan mô hình, phổ biến các kiến thức làm ăn, chăn nuôi, sản xuất.
Ông Đinh Văn Đinh (dân tộc Bana, ở làng Kon Mon) trước đây kinh tế phụ thuộc vào việc làm nương rẫy nên đời sống rất khó khăn. Ông Đinh cho biết, từ khi được anh Vịa và các hội, đoàn thể trong làng vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông đã mạnh dạn vay vốn để mua keo giống, nuôi dê, máy cày phục vụ sản xuất... Nhờ tích cực làm ăn, đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập khá trong làng. “Dù tuổi còn trẻ nhưng bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả, giúp ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng, anh Vịa thực sự là tấm gương tiêu biểu, truyền cảm hứng cho mọi người trong làng làm theo”, ông Đinh nói.
Ngoài ra, trong tỉnh còn có rất nhiều tấm gương người dân tộc thiểu số nỗ lực vươn lên trở thành người dẫn dắt, truyền động lực, cổ vũ, khuyến khích cộng đồng mình thay đổi theo hướng tích cực, như: Anh Bùi Ngọc Thanh (dân tộc Mường, ở làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) xây dựng mô hình trồng rau hữu cơ kết hợp du lịch, bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống tại địa phương; ông Đinh Grêh (dân tộc Bana, ở làng Thạnh Quang, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo; ông Đinh Văn Dũng (dân tộc Bana, ở làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) nỗ lực vận động người dân khôi phục các nghề truyền thống ở địa phương…
Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, khẳng định: Với những công lao, đóng góp của mình, đội ngũ trưởng làng, già làng, người có uy tín, ĐVTN trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước. Họ là chỗ dựa đáng tin cậy, giúp người dân thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, giữ gìn ANTT, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả, xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của địa phương.
TRIỀU CHÂU