Lan tỏa đặc trưng văn hóa địa phương
Liên hoan làng, thôn, khu phố văn hóa tỉnh Bình Ðịnh năm 2024 đã diễn ra với tinh thần đoàn kết, giao lưu, học hỏi giữa 11 làng, thôn, khu phố văn hóa tiêu biểu trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tại liên hoan, các đội thi đã thể hiện sáng tạo những nét đặc trưng văn hóa của địa phương để lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa.
Liên hoan làng, thôn, khu phố văn hóa tỉnh Bình Định diễn ra ngày 28.9 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, thu hút sự tham gia của 11 làng, thôn, khu phố văn hóa tiêu biểu trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH). Sự kiện do Sở VH&TT tổ chức, gồm hai phần thi chính: Xây dựng đời sống văn hóa và Trang trí, trưng bày hình ảnh, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Đội thôn Hội Nhơn tham dự phần thi Xây dựng đời sống văn hóa với tiểu phẩm Quê hương. Ảnh: K.VY
Phần thi xây dựng đời sống văn hóa được các đội dàn dựng với các tiết mục nghệ thuật như hát, múa, tiểu phẩm hài, hò, vè, hát ru, dân ca, và bài chòi. Các tiết mục đều mang chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, cũng như những tấm gương “người tốt, việc tốt” trong phong trào TDĐKXDĐSVH. Nhiều đội đã thể hiện xuất sắc thông điệp về việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phòng chống các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan.
Các đội từ Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn đã khai thác thế mạnh về dân ca, bài chòi, còn các đội Vân Canh và Vĩnh Thạnh thì mang đến nhạc cụ và làn điệu truyền thống kết hợp hơi thở hiện đại. Điều này giúp truyền tải những thông điệp tuyên truyền về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương một cách sáng tạo.
Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng thôn Hội Nhơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân), đơn vị đã giữ vững danh hiệu thôn văn hóa trong 10 năm liên tục, chia sẻ: “Chúng tôi xem đây là cơ hội để giao lưu và thể hiện niềm tự hào dân tộc. Tiết mục Quê hương mà chúng tôi mang đến đã thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân Hoài Ân trong các cuộc kháng chiến giữ nước”.
Phần thi trang trí, trưng bày sản phẩm đòi hỏi sự sáng tạo, từ việc sắp xếp không gian đến thuyết trình ý tưởng. Các đội đã nỗ lực giới thiệu sản vật đặc trưng và làng nghề truyền thống của địa phương. Đội Vĩnh Thạnh sáng tạo khi sắp xếp thành hình cờ Tổ quốc, cờ Đảng và bản đồ địa phương. Huyện Hoài Ân nổi bật với bố cục chặt chẽ, còn Tây Sơn mở đầu phần thuyết trình bằng bài chòi đặc sắc.
Ông Huỳnh Hiệp An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trưởng ban giám khảo, nhận định: “Các đơn vị đều có sự đầu tư kỹ lưỡng từ kịch bản đến dàn dựng, đặc biệt là những đơn vị miền núi như Vĩnh Thạnh đã tự làm mới mình, tạo được ấn tượng tại liên hoan”. Ông cũng ghi nhận sự tâm huyết của các diễn viên không chuyên - nhân tố nòng cốt góp phần tạo nên thành công cho các đội thi.
Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT, Trưởng ban tổ chức, cho biết: “Liên hoan năm nay không chỉ là sân chơi, nơi giao lưu văn hóa, mà còn là cơ hội để các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo. Việc thêm phần thi trưng bày sản vật giúp tôn vinh nét đẹp quê hương và thúc đẩy phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển hiệu quả hơn”.
KIỀU VY