Nhân ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy 4.10: Nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy từ cơ sở
Với mục tiêu phát triển phong trào Toàn dân tham gia PCCC, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”, thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC toàn tỉnh đã chú trọng xây dựng các mô hình, tập huấn, trang bị kỹ năng PCCC&CNCH cho mọi người, từ đó tạo nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy và cứu nạn trên địa bàn toàn tỉnh.
“Nước xa không cứu được lửa gần”
Khu ký túc xá của Trường ĐH FPT phân hiệu Bình Định có 5 tầng nổi, bao gồm phòng lưu trú, phòng y tế, phòng làm việc của Ban quản lý KTX và khu vực vệ sinh. Tại đây, ngoài trang bị các thiết bị PCCC theo quy định, tại các phòng ở thuộc các tầng nhà của công trình, đều bố trí lối thoát nạn.
Theo bà Hồ Thị Hạnh, Trưởng Phòng Hành chính tổng hợp, Trường ĐH FPT phân hiệu Bình Định, công tác tự phòng về PCCC luôn được nhà trường chú trọng. Hằng tuần nhân viên của trường đều tiến hành kiểm tra các thiết bị điện, những nơi dễ phát sinh nguồn nhiệt để kịp thời khắc phục, đảm bảo an toàn PCCC. Định kỳ trường cũng chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức diễn tập các tình huống cụ thể để lực lượng PCCC tại chỗ nắm rõ các kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống một cách thuần thục.
Bà Võ Thị Bích Vân (ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) được hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy cầm tay. Ảnh: K.A
Trong khi đó, các hộ có nhà ở kết hợp kinh doanh cũng chủ động PCCC theo thực tế của từng gia đình. Gia đình bà Võ Thị Bích Vân (ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) kinh doanh tạp hóa, để đảm bảo an toàn về PCCC, hộ gia đình bà chủ động chừa lối đi, để hàng hóa gọn gàng, đồng thời trang bị 4 bình chữa cháy cầm tay, đặt tại những vị trí cần thiết. “Nhà gia đình tôi vừa ở vừa kinh doanh nên đồ đạc cũng nhiều. Để an toàn, chúng tôi chủ động đăng ký tham gia tập huấn do CA huyện tổ chức để biết cách sử dụng thiết bị cũng như xử lý tình huống khi cần một cách bình tĩnh và an toàn”, bà Vân nói.
Đại úy Trần Trung Dinh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA huyện Tây Sơn) cho biết, hiện địa phương đã vận động được khoảng 90% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy, xây dựng được 32 mô hình tổ liên gia PCCC tại các xã, thị trấn, các thành viên tổ liên gia đều được tập huấn để khi có tình huống cháy xảy ra tại địa bàn thì lực lượng này sẽ tham gia từ đầu, giảm thiệt hại.
Tương tự, thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân cũng đã thành lập 2 tổ liên gia PCCC tại khu phố Gò Cau và Thanh Tú với 29 thành viên nhằm tập hợp các gia đình có nhà ở kết hợp kinh doanh liền kề, cùng hỗ trợ nhau trong công tác PCCC.
Để tránh “nước xa không cứu được lửa gần”, thời gian qua, CA toàn tỉnh cùng chính quyền các địa phương đã nhân rộng các mô hình PCCC ở khu dân cư. Cụ thể, toàn tỉnh đã có 87% hộ gia đình trang bị bình chữa cháy; có 382 tổ liên gia và 202 điểm chữa cháy công cộng.
Đồng bộ, hiệu quả từ cơ sở
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh) và lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH CA các địa phương đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp 634 lần với 125.150 lượt người tham dự; tổ chức 43 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH với các kỹ năng, kiến thức và cách xử lý tình huống khi gặp sự cố cháy cho hơn 4.700 người tham gia.
Việc phối hợp diễn tập các phương án PCCC tại DN, cơ sở sản xuất hay khu cụm dân cư đã góp phần nâng cao ý thức PCCC cho toàn dân.
Ngoài ra, ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra định kỳ 1.287 lượt cơ sở, kiến nghị 232 vấn đề còn tồn đọng và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC&CNCH đối với 28 trường hợp, tạm đình chỉ 7 cơ sở, đình chỉ hoạt động 8 cơ sở và phục hồi hoạt động 2 cơ sở.
Theo thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh), chủ động phòng và xử lý tốt tình huống tại chỗ là một trong những biện pháp then chốt góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu xảy ra cháy, nổ. Do đó, công tác PCCC&CNCH phải được thực hiện đồng bộ, hiệu quả ngay từ cơ sở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân cũng như của tổ chức, DN và toàn xã hội. “Với phương châm lấy người dân là trung tâm trong PCCC&CNCH, chúng tôi xây dựng, nhân rộng các tổ liên gia, mô hình điểm chữa cháy công cộng và đang hướng đến từng hộ dân nắm rõ cách sử dụng thiết bị chữa cháy cầm tay và tình huống cụ thể thông qua các đợt trải nghiệm quy mô toàn tỉnh”, thượng tá Tuấn cho biết.
Công tác PCCC là trách nhiệm của toàn xã hội; do đó, lực lượng chức năng cần tăng cường bám sát địa bàn, tích cực tham mưu, giúp chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị, DN làm tốt công tác kiểm tra, tự kiểm tra an toàn về PCCC; xử lý nghiêm những vi phạm. Mỗi cơ sở sản xuất, hộ gia đình hãy nêu cao tinh thần PCCC, thường xuyên kiểm tra thiết bị điện, mua sắm các phương tiện PCCC tại chỗ cũng như phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời, linh hoạt và hiệu quả nhằm giảm tối đa thiệt hại khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn PCCC, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân như không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy gần nơi đun nấu. Lắp đặt thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn; bố trí nơi thờ cúng hợp lý. Khi xảy ra cháy phải tìm mọi cách báo nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện cho Cảnh sát PCCC&CNCH theo số 114 hoặc CA xã, phường gần nhất.
KIỀU ANH