Chi hội Văn nghệ dân gian: Tích cực nghiên cứu, phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian
Trong vài năm gần đây, Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT tỉnh) đã ghi nhiều dấu ấn trong các hoạt động, tạo sự kết nối và lan tỏa qua việc tham mưu tổ chức tập huấn văn hóa, văn nghệ dân gian và các cuộc tọa đàm, từ đó góp phần lưu giữ và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân gian.
1. Từ ngày 26 - 29.9, Hội VHNT Bình Định phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam và Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức lớp tập huấn về văn hóa, văn nghệ dân gian cho hơn 180 học viên. Tại lớp tập huấn, các giảng viên là các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đã trao đổi với học viên nhiều chuyên đề về văn hóa, VNDG, tính áp dụng thực tế với Bình Định.
PGS. TS Nguyễn Xuân Đức trao đổi với học viên lớp tập huấn văn hóa, văn nghệ dân gian về vấn đề nghiên cứu văn hóa dân gian trong chuyến thực tế tại di tích Tháp Đôi. Ảnh: N.P
Trong chuyên đề của mình, PGS.TS Huỳnh Văn Tới - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, nhấn mạnh đến việc định hướng bảo tồn và phát huy VNDG trong phát triển du lịch.
Ông thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong sản phẩm văn hóa dân gian như: Phổ biến hiện tượng “mô phỏng VNDG”, nghệ thuật biểu diễn tổ chức theo kịch bản, sân khấu hóa, xa rời đặc tính dân gian.
Từ chia sẻ của các nhà nghiên cứu, học viên có thêm những góc nhìn, phương pháp tiếp cận, những áp dụng thực tiễn. Học viên Lê Công Phượng, công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, hội viên Chi hội VNDG, bộc bạch: “Lớp tập huấn đã mang lại cho học viên rất nhiều điều bổ ích, cung cấp những kiến thức thực tế, phương pháp sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, VNDG. Đặc biệt là việc phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian vào phát triển ngành kinh tế du lịch ở các địa phương trên cả nước, cũng như tại Bình Định”.
2. mấy năm gần đây Chi hội VNDG tổ chức thành công nhiều cuộc tọa đàm, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong năm 2023, Chi hội đã tổ chức thành công hai cuộc tọa đàm có quy mô lớn: “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn” và “TP Quy Nhơn xưa và nay dưới góc nhìn lịch sử - văn hóa”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Xuân Toàn, Chi hội trưởng Chi hội VNDG, chia sẻ: “Các cuộc tọa đàm đều thành công khi thu hút nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, nhà báo..., đóng góp các góc nhìn đa chiều, toàn diện. Nhiều hội viên của Chi hội tích cực đóng góp các tham luận như Nguyễn Thanh Quang, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Nhật Ký, Võ Minh Hải, Nguyễn Thị Nhân, Hoàng Bình, Đinh Bá Hòa... Tọa đàm có sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, kết nối được đến các địa phương quản lý di sản, tạo nhiều lan tỏa và hiệu ứng tích cực”.
Tiếp nối những thành công đó, tháng 4 vừa qua, Chi hội đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (Sở Nội vụ) tổ chức tọa đàm chủ đề “Đặc trưng nhà lá mái Bình Định và hướng bảo tồn, phát huy di sản”. Qua đó, góp phần nhận diện hiện trạng, định hướng công tác bảo tồn, phát huy di sản nhà lá mái đồng thời, tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà nghiên cứu có dịp trao đổi, chia sẻ chuyên môn, đề xuất giải pháp đến các ngành chức năng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Trong tháng 9, UBND TX An Nhơn và Hội VHNT tỉnh tổ chức tọa đàm khoa học khôi phục Lễ hội đổ giàn An Thái với lực lượng nòng cốt từ Chi hội VNDG đóng góp các ý kiến, tham luận.
Ông Ngô Hồng Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước, hội viên Chi hội VNDG, chia sẻ: “các cuộc tọa đàm trong hai năm qua là hoạt động hữu ích, có tính kết nối cao, nhiều tinh thần học thuật, nhiều ý kiến đóng góp sát với thực tế”.
Nhà nghiên cứu Trần Xuân Toàn tâm sự: “Thành công nổi trội của Chi hội là tham mưu mở lớp tập huấn văn hóa, VNDG. Đặc biệt là tổ chức, phối hợp tổ chức thành công các tọa đàm, từ đó hướng đến sự gắn kết, phát huy vai trò nghiên cứu của cá nhân. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục động viên hội viên đóng góp tham luận vào các hội thảo khoa học, tọa đàm trong và ngoài tỉnh, tiếp tục lên kế hoạch tổ chức điền dã nghiên cứu, các cuộc tọa đàm quy mô có sự tham gia của các chuyên gia để góp phần lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa, VNDG của Bình Định”.
NGÔ PHONG