Phù Mỹ chủ động ứng phó với thiên tai
Với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, huyện Phù Mỹ đã chủ động xây dựng và triển khai công tác ứng phó với thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024 theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Đảm bảo an toàn cho người dân
Nằm ở phía Đông huyện, xã Mỹ An có 2 thôn: Xuân Thạnh, Xuân Thạnh Nam giáp với biển, vì thế chính quyền địa phương dành sự quan tâm đặc biệt đối với các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi triều cường khi xảy ra mưa bão lớn. Để đảm bảo an toàn bền vững cho người dân, thời gian qua, xã Mỹ An đã cấp đất ở, tổ chức di dời 305 hộ có nhà ở sát biển đến khu tái định cư (TĐC) vùng thiên tai tại thôn Xuân Bình, gần trung tâm hành chính xã.
Bà Phan Thị Liễu, một người dân ở khu TĐC vùng thiên tai xã Mỹ An, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sống ở thôn Xuân Thạnh. Nhà sát mép biển, nên vào mùa mưa, cả người và tài sản thường bị triều cường uy hiếp. Ngay sau khi được xã cấp hơn 100 m2 đất tại khu TĐC, gia đình tôi đã xây dựng nhà mới, yên tâm đầu tư phát triển kinh tế”.
Tuy vậy, hiện vẫn còn 75 hộ dân ở hai thôn Xuân Thạnh và Xuân Thạnh Nam cùng 52 tàu cá của ngư dân không đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa bão lớn. Ông Phan Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An, cho biết: Các hộ này đã được cấp đất TĐC nhưng chưa có điều kiện xây nhà. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, địa phương đã xác định địa điểm sơ tán người dân đến ở tạm trước khi xảy ra mưa, bão lớn. Xã cũng đã thành lập tổ xung kích tại 7/7 thôn; chuẩn bị 26 phương tiện vận tải các loại cùng 4 thuyền máy, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Tương tự, các xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Cát, Mỹ Thắng... cũng chủ động triển khai phương án PCTT-TKCN&PTDS sát với thực tế tại địa phương. Riêng tại Mỹ Chánh - nơi có nhiều điểm thường xảy ra tình trạng ngập lụt mỗi khi có mưa lớn, đã xác định 16 điểm là trường học, nhà văn hóa thôn và hội trường UBND xã để đưa người dân đến trú ngụ khi cần thiết; đồng thời, chốt danh sách cụ thể số hộ có nguy cơ ngập lụt để triển khai nhanh việc sơ tán người dân theo từng cấp độ rủi ro khác nhau. Tại 16/16 thôn đều có các đội xung kích và nhóm xung kích do trưởng thôn chỉ huy.
Các hạng mục chính đập ngăn mặn An Mỹ đã cơ bản hoàn thành, dòng chảy cũng được khơi thông. Ảnh: T.SỸ
Địa phương còn chuẩn bị 4 phương tiện vận tải, 3 xuồng máy, 6 nhà bạt cứu sinh, 5.000 bao cát và nhiều trang thiết bị khác để phục vụ công tác PCTT-TKCN. Ngoài ra, xã cũng đã chuẩn bị 3.000 gói mì ăn liền, 1 tấn gạo, 3.000 chai nước, thuốc phòng bệnh thông thường để cung cấp cho người dân ở những khu vực cần sơ tán trong thời gian 5 ngày...
Chú trọng bảo vệ công trình
Phương án đảm bảo an toàn cho các công trình dân dụng, công trình thủy lợi và tàu thuyền của ngư dân trong mùa mưa cũng đang được ngành chức năng huyện Phù Mỹ triển khai bằng nhiều biện pháp cụ thể.
Hiện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Phù Mỹ cùng các nhà thầu đã triển khai phương án ứng phó thiên tai cho 20 công trình còn dang dở. Tại công trình đập ngăn mặn An Mỹ (dài 110 m bắc qua sông La Tinh thuộc địa bàn xã Mỹ Chánh và Mỹ Cát), ông Lê Nguyễn Kim Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Lập (đơn vị thi công), cho biết: Công trình đã đảm bảo an toàn vượt lũ và được khơi thông dòng chảy, trước, trong và sau các đợt mưa lũ, Công ty đều bố trí lực lượng túc trực tại công trình để xử lý các tình huống phát sinh.
Trong khi đó, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho 7 hồ chứa nước quy mô nhỏ đã xuống cấp tại các xã Mỹ Thọ, Mỹ Trinh, Mỹ Hiệp, Mỹ Tài... Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, hiện đất, đá, bao cát và các loại vật tư khác đã được tập kết tại chỗ; lực lượng xung kích của huyện, xã sẵn sàng xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra.
Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho hay: Ngoài phương án của địa phương, huyện cũng đã xây dựng 4 kịch bản ứng phó với bão, 3 kịch bản ứng phó với lũ theo phương châm “4 tại chỗ” trên phạm vi toàn huyện, quán triệt đến tận thôn, thông tin cho người dân biết. Trường hợp khẩn cấp, huyện đề xuất tỉnh bổ sung thêm nguồn lực để hỗ trợ, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
PHẠM TIẾN SỸ