Hải sâm cát: Hướng đi mới của ngành nuôi biển
Nuôi hải sâm cát hứa hẹn là một hướng đi mới, không chỉ mở ra triển vọng đột phá cho ngành nuôi biển mà còn mang lại tiềm năng to lớn cho ngành công nghiệp dược liệu của Bình Định. Và tất nhiên không thể không nhắc đến những lợi ích to lớn mà ngành du lịch được hưởng lợi!
Được vớt lên từ làn nước trong xanh, những con hải sâm cát mập mạp, mềm mại màu nâu ngả đen trong tay ngư dân Nguyễn Văn Sáng thu hút mọi ánh nhìn. Chúng tôi chuyền tay nhau để cảm nhận rõ sức sống của sinh vật biển này. Căng phồng cái bụng trắng phau, con hải sâm bất chợt phun nước ra từ chiếc miệng nhỏ tí ở đỉnh đầu. Những xúc tu bé xíu cũng không ngừng chuyển động như thăm dò xung quanh. Cuộc làm quen sống động này đã thay lời muốn nói - hải sâm cát có khả năng thích nghi cao với môi trường biển Nhơn Hải.
Nuôi hải sâm tạo ra một mô hình tuần hoàn với chuỗi thức ăn khép kín, bảo vệ môi trường biển tốt hơn đồng thời mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái tại Nhơn Hải và Bình Định nói chung. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Triển vọng mới từ hải sâm cát
Đây là lứa hải sâm cát nuôi thương phẩm đầu tiên tại Bình Định, trong khuôn khổ dự án KH&CN “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm hải sâm cát (Holothuria scabra) tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn” do Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn và HTX Dịch vụ Du lịch Thủy sản Nhơn Hải thực hiện.
3.000 con giống mua từ Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung đã được thả xuống khu vực nuôi rộng 1.000 m² tại mặt biển phía trong Bờ Đập, thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải. Chỉ sau 3 tháng, những con hải sâm nhỏ bé dài 4 - 6 cm, nặng 6 - 7 gam/con đã “lột xác” ngoạn mục, đạt kích thước 9 - 11 cm và trọng lượng vọt lên tới 81 - 107 gam.
Ông Nguyễn Văn Sáng, người trực tiếp nuôi hải sâm, chia sẻ: “Nuôi hải sâm cát tương đối đơn giản và ít rủi ro dịch bệnh. Khi hải sâm cát còn nhỏ mình không cần cho ăn vì thế không thu hút các loài cua, cá nên việc bảo vệ cũng tương đối thuận tiện, việc cần làm nhiều nhất là dọn rác tự nhiên, giữ cho môi trường sạch sẽ, ổn định”.
Hải sâm cát, được ví như “nhân sâm của đại dương” nhờ giá trị dinh dưỡng cao, dùng làm dược liệu, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm và có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thế giới, đặc biệt ở thị trường EU và một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Giá hải sâm khô đủ chuẩn xuất khẩu đang dao động từ 200 - 400 USD/kg, nghề nuôi hải sâm cát có triển vọng mang lại lợi nhuận cao, tạo cơ hội phát triển kinh tế hấp dẫn cho người nuôi và thúc đẩy phát triển bền vững cho địa phương.
Lợi thế then chốt và lớn nhất để phát triển nghề nuôi hải sâm cát là Việt Nam, cụ thể là Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, thuộc Bộ NN&PTNT) đã làm chủ công nghệ sản xuất giống và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm. Đặc biệt, TS Nguyễn Đình Quang Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, là người trong nhiều năm qua nghiên cứu, kết nối và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất con giống đến mua gom nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu. Trong chuỗi liên kết này, Công ty Hải Sâm Việt Nam - đơn vị sở hữu nhà máy chế biến hải sâm lớn nhất Đông Nam Á - cam kết mua toàn bộ sản phẩm của người dân địa phương với giá cố định theo hợp đồng, đảm bảo đầu ra ổn định và lợi nhuận bền vững cho người nuôi.
Môi trường biển Nhơn Hải đạt chất lượng tốt là nền tảng quan trọng để phát triển nghề nuôi hải sâm cát và từ đó phát triển nhiều ngành kinh tế khác. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Theo đánh giá của TS Nguyễn Đình Quang Duy, hải sâm cát là một lựa chọn giàu tiềm năng cho ngành nuôi biển tại Bình Định. Vùng biển Nhơn Hải, với điều kiện lý tưởng như sóng yên và nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, tạo môi trường tuyệt vời cho sự phát triển của hải sâm cát. Kết quả nuôi thử nghiệm ban đầu cho thấy hải sâm cát phát triển rất tốt. So với nuôi trong ao hồ, nuôi trên biển ở Nhơn Hải có chi phí thấp hơn đáng kể, dù chi phí giống ban đầu có nhỉnh hơn. Nhờ tận dụng môi trường tự nhiên, chi phí chăm sóc và quản lý được giảm thiểu, cho dù tỷ lệ sống thấp vẫn mang lại lợi nhuận. “Nếu nuôi trong ao tỷ lệ sống trên 50% mới có lời, thì nuôi trên biển chỉ cần tỷ lệ sống là 20% thôi đã có lời rồi. Các mô hình thành công tại Khánh Hòa và Phú Yên đã chứng minh rằng mô hình nuôi hải sâm cát có thể được áp dụng hiệu quả tại Bình Định. Mà theo tôi biết, nỗ lực gìn giữ môi trường biển khu vực Nhơn Hải nói riêng và cũng như TP Quy Nhơn nói chung đạt nhiều kết quả tích cực, đây là nền tảng quan trọng để từ nghề nuôi hải sâm cát có thể phát triển thêm nhiều ngành kinh tế khác”, TS Nguyễn Đình Quang Duy nhấn mạnh.
Nuôi biển, hướng đến tương lai bền vững
Trước thách thức từ việc khai thác quá mức khiến nguồn lợi thủy sản giảm sút, Bình Định đang tập trung vào chiến lược phát triển nghề nuôi biển bền vững, bao gồm thu hẹp dần đội tàu đánh bắt xa bờ. Trong bối cảnh này, nuôi hải sâm cát được xem là giải pháp tiềm năng để giải quyết bài toán về việc làm giúp ngư dân chuyển đổi nghề và phát triển kinh tế địa phương.
Tại Nhơn Hải, HTX Dịch vụ Du lịch Thủy sản Nhơn Hải ra đời với định hướng kết hợp việc nuôi trồng, bảo vệ những sinh vật biển như hải sâm cát gắn với du lịch sinh thái biển, tạo mô hình kinh tế mới, mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân, trong đó có cả nhóm ngư dân chuyển đổi nghề.
Khu vực nuôi hải sâm cát tại mặt nước biển phía trong Bờ Đập, thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải. Ảnh: H.H
Anh Lê Minh Tuấn, Phó Giám đốc HTX, cho biết: “Chúng tôi chọn nuôi hải sâm cát nhằm đa dạng hóa sinh kế cho ngư dân và cải thiện môi trường biển, tạo điều kiện tối ưu cho rạn san hô phát triển. Ngoài giá trị kinh tế trực tiếp, nuôi hải sâm cát còn mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái tại Nhơn Hải và Bình Định nói chung. Du khách có thể tham quan các trại nuôi trên biển, tìm hiểu về hải sâm và thưởng thức các món ăn chế biến từ chúng, góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân!”.
Bình Định có các đầm phá như: Đề Gi, Trà Ổ, Thị Nại và các vùng ven biển Hoài Nhơn là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình nuôi hải sâm cát kết hợp với các ngành nuôi trồng khác. Tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, người dân có thể xen canh hải sâm cát cùng các loại thủy sản như tôm, cá... nhằm tạo ra một mô hình tuần hoàn với chuỗi thức ăn khép kín: hải sâm cát tiêu thụ chất thải từ tôm cá, trong khi chất thải của chúng lại nuôi dưỡng các loài thủy sản khác. Điều này không chỉ tạo ra một hệ sinh thái nuôi trồng bền vững mà còn giúp giảm chi phí chăm sóc nhờ vào khả năng làm sạch môi trường của hải sâm.
Những con hải sâm cát mập mạp, săn chắc mới được vớt lên từ biển. Ảnh: H.H
Hơn thế nữa, hải sâm cát còn mở ra tiềm năng lớn cho ngành dược phẩm tại Bình Định. Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) đến nay không chỉ khẳng định vị thế trong lĩnh vực dược phẩm mà còn mở rộng sang thực phẩm chức năng, đặc biệt là các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu biển. Bidiphar đã gặt hái được những thành công đáng kể với việc sản xuất thực phẩm chức năng từ hàu và sụn cá mập. Với tiềm lực này, việc nghiên cứu và phát triển thực phẩm chức năng từ hải sâm cát có thể mang lại cơ hội đột phá cho công ty. “Chúng tôi sẽ xem xét đưa hải sâm cát vào kế hoạch nghiên cứu và phát triển trong thời gian tới”, dược sĩ CKI Nguyễn Thị Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Bidiphar, cho biết.
Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định - đơn vị quản lý nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN tại Nhơn Hải, đánh giá cao tiềm năng của mô hình, nhấn mạnh: “Đây không chỉ là hướng phát triển kinh tế mới mà còn góp phần bảo vệ môi trường biển. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ trong điều kiện cho phép để nhân rộng mô hình này”.
THÁI THỊ HỒNG HÀ