Bài hát tiên tri về ngày giải phóng Thủ đô
Năm nay, kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024). Trong ngày này, không chỉ người Hà Nội, mà người cả nước lại hát vang ca khúc Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao. Nếu tính ngày ra đời của ca khúc này thì năm nay vừa tròn 75 năm, có một điều ít người biết là ca khúc đã được in, được hát trước ngày giải phóng Thủ đô đúng 5 năm.
Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh tư liệu
Ngày Văn Cao tại thế, tôi có may mắn là bạn vong niên, là đứa em được ông yêu quý. Năm 1985, tôi lúc ấy ở Hội Văn nghệ Nghĩa Bình, đã đề nghị Tỉnh ủy Nghĩa Bình mời nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao cùng vợ vào thăm Nghĩa Bình, thăm Quy Nhơn. Đó là chuyến đi đặc biệt ấn tượng với Quy Nhơn và Nghĩa Bình, vì ngay trong thời gian ở Quy Nhơn, nhà thơ Văn Cao đã sáng tác một chùm 3 bài thơ để đời, đó là Quy Nhơn 1, Quy Nhơn 2 và Quy Nhơn 3.
Những câu chuyện Văn Cao tâm sự với anh em văn nghệ chúng tôi ở Quy Nhơn hầu hết là chuyện cũ, trong đó có chuyện Văn Cao sáng tác ca khúc Tiến về Hà Nội. Đó là câu chuyện đặc biệt thú vị, vì ca khúc này được Văn Cao sáng tác vào mùa xuân năm 1949, trước ngày giải phóng Thủ đô tới 5 năm.
Câu chuyện dưới đây được Văn Cao kể lại với nhiều người, trong số đó tất nhiên có tôi. “Khi ấy là mùa xuân 1949. Trong một lần ăn cơm với anh Lê Quang Đạo, khi đó đang là Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, lúc tiễn tôi ra về, anh đã khoác tay tôi đi trên đường làng một quãng dài, anh thủ thỉ nói: “Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân thủ đô đấy”. Đêm hôm ấy tôi ra về đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài Tiến về Hà Nội đã đến từ gởi gắm của anh Lê Quang Đạo - “Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về...”. Chỉ hai tuần lễ sau đó tôi đã viết xong ca khúc Tiến về Hà Nội. Bài hát Tiến về Hà Nội của tôi đã được anh Khuất Duy Tiến cho in vào tờ báo Thủ đô hồi ấy”.
Ngày đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô 10.10.1954. Ảnh tư liệu
Sau khi ca khúc ra đời, theo họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao, vào đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước đã dàn dựng bài Tiến về Hà Nội phục vụ bộ đội và nhân dân Thái Bình, vì thế bài hát lan nhanh khắp nơi. Nhưng cũng ngay sau đó, ca khúc bị cất đi do có ý kiến cho rằng chưa phù hợp với thời cuộc, bối cảnh bấy giờ. Mãi tới ngày Giải phóng Thủ đô, Tiến về Hà Nội mới được khơi dậy và vang lên khắp nơi.
Những tác phẩm mang tính tiên tri, tiên báo thường có số phận long đong như thế. Bao giờ cũng vậy, tác phẩm không được công nhận ngay lúc mới ra đời. Vào thời điểm năm 1950 bài hát Tiến về Hà Nội bị coi là tác phẩm “lạc quan tếu” và không được phổ biến rộng rãi, không được hát. Mãi tới tháng 10.1954, khi “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” thì không gì có thể ngăn được lời ca hào sảng ngân vang - Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa/ Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu/ Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay/ Những xuân đời mỉm cười vui hát lên...
Dù ra đời sớm 5 năm, nhưng vì đó là ca khúc quá hay, nên ngày giải phóng Thủ đô tháng 10.1954, khi ca khúc được người Hà Nội hát vang đón chào đoàn quân tiến về, rất nhiều người nghĩ rằng bài hát này mới được sáng tác “phục vụ kịp thời”.
Tôi lại nhớ, trường ca Những người trên cửa biển của Văn Cao cũng là một tác phẩm ra đời khá sớm, vào năm 1956, so với thể loại trường ca ở Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta nhớ, từ kháng chiến chống Pháp, ngay sau chiến thắng sông Lô (1947) Văn Cao đã có Trường ca sông Lô, một tác phẩm âm nhạc hào hùng và da diết, cũng là một trường ca âm nhạc hàng đầu Việt Nam, thì chúng ta không ngạc nhiên về những sáng tác “đi trước thời cuộc” của Văn Cao.
THANH THẢO