Tôn tạo, tu bổ hệ thống tháp Chăm gắn với phát triển du lịch
Bình Ðịnh hiện còn 8 cụm/14 tháp Chăm được xác định thuộc phong cách Bình Ðịnh. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo, trùng tu hệ thống các tháp Chăm này để bảo vệ di sản và phát huy giá trị gắn với phục vụ du lịch.
Từ năm 1998 đến nay, từ nhiều nguồn khác nhau, tỉnh Bình Định đã đầu tư hơn 78 tỷ đồng để chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo, trùng tu các di tích tháp Chăm. Gần đây nhất, giai đoạn từ năm 2021 - 2024, tỉnh đầu tư hơn 23 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo cụm tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước).
Nhà trưng bày bổ sung tại tháp Bánh Ít sẽ được đưa vào hoạt động phục vụ du khách dịp tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Không thuộc hạng mục duy tu, bảo dưỡng tháp, nhưng huyện Tuy Phước đã đầu tư hơn 21 tỷ đồng xây dựng đường giao thông dài hơn 1,4 km kết nối từ tỉnh lộ 640 vào Tháp Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), hai bên đường lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng… Công trình khiến không gian khu vực tháp Bình Lâm đẹp, khang trang, thoáng đãng, du khách đến với di tích thuận lợi hơn.
Không chỉ quan tâm đầu tư, tôn tạo, trùng tu hệ thống tháp Chăm, công tác bảo vệ cũng được ngành văn hóa tỉnh và các địa phương chú trọng thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức của người dân chung tay bảo vệ di sản quý giá của quê hương.
Anh Nguyễn Thành Danh, ở thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, chia sẻ: “Người dân ở xóm Tháp xưa nay xem ngôi tháp Bình Lâm là “báu vật” nên chung tay bảo vệ, không xâm phạm di tích. Hàng năm, đến ngày 12.2 âm lịch là bà con góp tiền tổ chức lễ cúng thanh minh tại tháp; thường xuyên dọn vệ sinh, cắt cỏ, chăm sóc cảnh quan của tháp…”.
Cụm tháp Dương Long (ở xã Tây Bình và xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) có niên đại khoảng thế kỷ XII - XIII, cũng đã được bố trí kinh phí 94 tỷ đồng (vốn Trung ương 70 tỷ đồng, vốn của tỉnh 24 tỷ đồng) để thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo giai đoạn 2022 - 2025.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Huyện Tây Sơn có cụm tháp Dương Long và tháp Thủ Thiện. Với dự án trùng tu, tôn tạo tháp Dương Long, khi triển khai huyện có trách nhiệm thực hiện giải phóng mặt bằng 11 ngôi nhà ở xã Tây Bình; còn tháp Thủ Thiện thì huyện chỉ đạo UBND xã Bình Nghi bảo vệ, chăm sóc cảnh quan, không cho người dân canh tác, chăn thả gia súc, gia cầm trong khuôn viên tháp…”.
Cuối tháng 5.2024, UBND tỉnh ban hành Quy chế phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Theo quy chế, nhiều di tích đã được tỉnh giao về địa phương quản lý, riêng hệ thống tháp Chăm vẫn do Sở VH&TT giao Bảo tàng tỉnh trực tiếp quản lý.
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, trong số 14 tháp Chăm của Bình Định, cụm tháp Dương Long được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, các cụm tháp còn lại được xếp hạng di tích quốc gia. Trong số này, các cụm tháp Đôi (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn), Bánh Ít, Dương Long, Cánh Tiên (ở xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) khai thác phục vụ du lịch đạt hiệu quả tốt. Trong năm nay, Bảo tàng tỉnh đã cắm mốc bảo vệ tháp Thủ Thiện, đang triển khai kế hoạch cắm mốc bảo vệ tháp Phú Lốc (ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn).
“Dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, chúng tôi sẽ đưa hạng mục nhà trưng bày bổ sung tại tháp Bánh Ít vào phục vụ”. Giám đốc Sở VH&TT TẠ XUÂN CHÁNH
Trong năm nay, công trình nhà trưng bày bổ sung tại tháp Bánh Ít đã được xây dựng hoàn thành, góp thêm sự đa dạng dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan. Khi tìm hiểu tháp Bánh Ít, du khách sẽ được ngắm bản đồ các di tích Champa ở Bình Định, phù điêu và gốm trang trí kiến trúc tháp Chăm, hiện vật gốm Chăm được khai quật tại các lò gốm cổ ở Bình Định, trang phục và nhạc cụ dân tộc Chăm…
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: “Dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, chúng tôi sẽ đưa hạng mục nhà trưng bày bổ sung tại tháp Bánh Ít vào phục vụ. Cuối năm nay, Sở cũng hoàn tất các thủ tục để tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VH-TT&DL cho triển khai dự án trùng tu, tôn tạo tháp Dương Long; chống xuống cấp tháp Thủ Thiện, tháp Phú Lốc; tôn tạo cảnh quan tháp Cánh Tiên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án xã hội hóa, kêu gọi DN đầu tư các dịch vụ phục vụ du lịch tại tháp Đôi và tháp Bánh Ít để phát huy hơn nữa giá trị các tháp Chăm gắn phát triển du lịch”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN