Nhớ mùa hoa năm cũ
Vào mỗi dịp cuối thu đầu đông như thế này, anh hay đi Hà Nội. Anh nói rằng, cũng chẳng có việc gì quan trọng nhưng chân cứ muốn đi. Vậy thôi. Tiễn anh ở sân bay mỗi dịp như thế, chị vợ hay nhắc: “Hai bó cúc họa mi nữa nhé! Nhớ đấy!”. Nghe câu dặn dò nặng tính răn đe ấy của vợ, anh cười như mếu: “Quên thế nào được mà cứ nhắc hoài vậy chớ?”. Rồi anh nhìn vợ, giả lả: “Thôi, tạm biệt nhé”.
Với anh, không có gì khổ sở cho bằng phải mang cúc họa mi về cho vợ! Tại sao ư? Nó không nặng, cũng không phải đắt tiền, mà đơn giản là vì nó… đẹp. Mà đẹp thì phải nâng niu, cẩn thận từng chút. Nó đòi hỏi ở người mang nó phải có lòng kiên nhẫn - một đức tính luôn làm khó anh. Còn với chị, chỉ cần ấn nút trên chiếc smart phone gửi yêu cầu đến một địa chỉ nào đó ở Hà Nội là hai hôm sau sẽ có ngay, không chỉ một mà … trăm bó họa mi cũng có. Nhưng vì sao chị lại muốn anh phải “khổ sở” như thế? Cái này khó lý giải lắm. Phụ nữ họ luôn đặt ra cho giới mày râu, nhất là những đức lang quân những thử thách. Lòng kiên nhẫn cũng là một thử thách vậy.
Việc đầu tiên đặt chân đến Hà Nội là anh gọi ngay chú em: “Bia bọt ít thôi nhưng chú không được quên hai bó họa mi “khủng” như mọi năm nhé?”. Vốn quen với những dặn dò như thế, chú em dạ thật to trong máy: “Vâng ạ! Anh cứ yên tâm!”.
Rồi hai bó họa mi “khủng”- theo nghĩa đẹp toàn bích, đã được chuẩn bị sẵn để anh mang về sau ba ngày dọc ngang Hà Nội. Anh nghĩ, nếu có chút ngờ vực nào từ vợ trong chuyến đi của anh, sau khi nhìn thấy hai bó cúc họa mi này, chị cũng … hỉ xả cho qua. Để chị đỡ sốt ruột, anh video call luôn: “Hàng đã có trong tay rồi nè, vừa lòng chưa?”. Vẫn giữ thói quen lâu nay chẳng bao giờ khen chồng, chị nói một cách miễn cưỡng như người ốm dậy: “Cũng tàm tạm”. Cũng vốn quen với cách “khen” ấy của chị lâu nay rồi, anh chỉ lặng lẽ cho hai bó hoa vào máy soi an ninh.
Nhìn thấy những sợi dây ken kịt tua tủa “cà” lên hai bó hoa, lòng anh như… ong đốt. Anh rủa thầm: “Bố khỉ thật! Nghi ngờ cả cái đẹp như thế này, chỉ có thể là… an ninh sân bay!”. Biết làm sao được, khi cái ác được núp bóng dưới vô số những điều đẹp đẽ, buộc con người phải cảnh giác thôi. Và rồi lời nguyện cầu ấy cũng thành hiện thực. Nghĩa là không sứt mẻ tí nào, dù là một cánh hoa! Đó thấy chưa, ứng xử trước cái đẹp bao giờ cũng nhẹ nhàng, tử tế nên máy soi an ninh không chỉ thấu tỏ cái ác được núp bóng dưới nhiều dạng mà còn nhìn ra vẻ đẹp của hoa nên nó không nỡ dập vùi.
Thời tiết Hà Nội vào cữ cuối thu đầu đông như thế này là đẹp nhất trong năm. Mấy năm nay, cái đẹp ấy được bổ sung bằng những gánh hàng hoa rực rỡ sắc màu xuống phố. Cũng đã mấy năm rồi, nhiều vùng rau ngoại thành nhường chỗ cho cúc họa mi; những bãi bồi giữa sông Hồng giờ tràn ngập sắc màu hoa cúc. Kẻ đến mua hoa, người chen nhau chụp ảnh nuôi phây. Tấp nập chẳng thua gì lễ hội. Không chỉ người Hà Nội mới thưởng lãm vẻ đẹp vừa dung dị pha lẫn chút kiêu kỳ của cúc họa mi mà ngành hàng không còn chia sẻ niềm vui ấy với mảnh đất phương Nam đầy nắng gió mùa này bằng những chuyến bay ngập tràn hoa cúc trong khoang hành lý.
Tin về đợt không khí lạnh sắp tràn vô miền Bắc như một lời nhắc nhở anh lên đường như nhiều năm trước. Nhưng khác với mọi lần, chị cũng tiễn anh ra sân bay nhưng lời căn dặn nặng tính răn đe đã không còn nữa. Cơn bão Yagi đã kịp nhấn chìm bao làng hoa cúc họa mi trong nước lũ vừa rồi. Chị biết điều đó. Anh cũng hiểu điều đó. Nhưng lòng sao nặng buồn dù chuyến đi lần này không đòi hỏi gì ở anh lòng kiên nhẫn nữa cả.
Về nhà, chị lục tìm số ảnh chụp cúc họa mi những năm trước, chọn một ảnh thật đẹp, chị úp lên phây, lòng nhủ lòng: “Cuồng phong có thể cuốn đi nhiều thứ nhưng làm sao có thể cuốn được hoa khi đã úp lên phây?”.
TRẦN ĐĂNG