Khai thác hiệu quả giá trị làng nghề
Mới đây, Nghề chằm nón ngựa Phú Gia (thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát) được Bộ VH-TT&DL ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, Bình Định hiện là nơi đang lưu giữ 11 nghề thủ công truyền thống khác. Làm gì để quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả những giá trị đó đang là vấn đề cần được các cấp, ngành liên quan chung tay thực hiện.
Có thể thấy lợi ích của việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống thể hiện qua một số mặt như: Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương. Với những ý nghĩa kinh tế, văn hóa và xã hội to lớn mà các làng nghề truyền thống mang lại như đã nêu, rõ ràng bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống một cách bền vững là cần thiết, một hướng đi cần phải quan tâm.
Hiện nay, các làng nghề truyền thống gặp không ít khó khăn và thách thức trong bảo tồn và phát triển. Chính vì vậy, tìm các giải pháp thiết thực và hiệu quả để giúp các làng nghề truyền thống vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển và đóng góp cho địa phương, tỉnh nhà là một nhiệm vụ quan trọng.
Theo ý kiến của một số chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, để góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững, cần có sự nhìn nhận, đánh giá đúng thực chất giá trị của các làng nghề. Từ đó, đưa ra các giải pháp tổng thể, bao quát và đồng bộ để phát huy hết giá trị của làng nghề. Điều quan trọng đầu tiên là phải xây dựng quy hoạch tổng thể cho các làng nghề truyền thống trong phạm vi toàn tỉnh; có chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng và thông tin để làng nghề tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định trên địa bàn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của làng nghề truyền thống.
Đặc biệt, phải xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề truyền thống để đảm bảo tính kế thừa. Một vấn đề cần quan tâm trong việc gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thống hiện nay là gắn với công tác bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài những chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề “sống được” bằng chính những sản phẩm của mình, việc khai thác tính đặc trưng, độc đáo gắn với du lịch để bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống một cách bền vững là điều đã được nhiều địa phương thực hiện, đem lại hiệu quả cao…
HOÀNG QUÂN