Mai đây, thủ phủ mai vàng... - Kỳ 1: Vui, buồn cùng mai
LTS: Cây mai vàng là biểu tượng gắn liền với văn hóa và đời sống của người dân Bình Ðịnh, không chỉ đóng góp giá trị kinh tế mà còn khẳng định vị thế của tỉnh trong lĩnh vực hoa cây cảnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển nóng và thiếu kiểm soát của nghề trồng mai vàng đã đặt ra nhiều thách thức lớn về quy hoạch và môi trường. Chính quyền và các cơ quan chức năng đang đối diện với câu hỏi: Làm sao để bảo tồn và phát triển thương hiệu “Mai vàng Bình Ðịnh” một cách bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường?
Kỳ 1: Vui, buồn cùng mai
Bình Ðịnh không có diện tích trồng mai lớn như các tỉnh miền Nam, nhưng nổi tiếng là “thủ phủ mai xuân” của cả nước. Nhiều thời điểm, mai vàng Bình Ðịnh mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi dịp Tết và hơn thế nữa, nó còn tạo ra dấu ấn riêng biệt trên thị trường hoa cây cảnh Việt Nam. Nhưng sự phát triển ồ ạt diện tích trồng mai thời gian gần đây đang tạo ra những hệ lụy buồn…
Độc đáo mai vàng Bình Định
Theo những người trồng mai lâu năm, nghề trồng mai vàng ở Bình Định có bề dày lịch sử, nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ sau năm 1975. Đến năm 1980, ông Đặng Xuân Lan, nông dân ở xã Nhơn An (TX An Nhơn) tiên phong mang giống mai giảo Thủ Đức từ miền Nam về ghép với gốc mai vàng địa phương, mở ra bước phát triển mới cho cây mai Bình Định.
Cánh đồng mai vàng Bình Định ở xã Nhơn An (TX An Nhơn). Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Theo báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh” do Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học và công nghệ Bình Định (Sở KH&CN) chủ trì, mai vàng Bình Định sở hữu những nét đặc trưng riêng biệt, khó lẫn với bất kỳ loại mai nào khác. Trong đó, hai giống mai phổ biến nhất là mai giảo và cúc mai, được biết đến không chỉ bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn nhờ kỹ thuật tạo dáng tinh xảo của những nghệ nhân địa phương. Điểm nổi bật của cây mai vàng Bình Định là bộ rễ thường nổi ngay trên mặt đất, gốc cây xù xì, rắn chắc, tạo cảm giác mạnh mẽ và khỏe khoắn. Các cành tỏa đều bốn phía theo thế “tứ diện”, cành ngắn, uốn lượn mềm mại, tạo nên một tổng thể hài hòa và cân đối.
Các nghệ nhân Bình Định không chỉ tạo dáng cho cành và nhánh mà còn đặc biệt chú trọng đến phần đế, tạo nên sự uyển chuyển, sống động của cây. Điều này giúp mai vàng Bình Định trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực thụ, mỗi cây mang dấu ấn riêng, thường là dáng trực hoặc dáng long.
Khí hậu khắc nghiệt của Bình Định cũng góp phần hình thành sức sống mãnh liệt cho loài mai. Điều này không chỉ giúp mai Bình Định có tuổi thọ cao mà còn gia tăng giá trị thương mại, bởi cây có khả năng tồn tại lâu dài và giữ dáng thế đẹp qua nhiều năm.
Ông Phan Văn Sáu, người có nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng mai, cho rằng, diện tích mai vàng Bình Định đang phát triển ồ ạt, khiến giá trị cây mai vàng bị giảm sâu. Ảnh: TRỌNG LỢI
Ông Phan Văn Sáu, chủ vườn mai Sáu Hồng (xã Nhơn An, TX An Nhơn), cho biết thêm: “Mai vàng Bình Định đặc biệt ở chỗ gần như không có cành nào mọc thẳng dài quá một tấc. Khi lặt lá để cây ra hoa sẽ thấy từng cành, từng nhánh mai uyển chuyển như những nghệ sĩ múa trên sân khấu”.
TX An Nhơn được xem là trung tâm sản xuất mai của Bình Định, với hơn 3.000 hộ trồng mai thương mại, với các vùng chuyên canh nổi tiếng như Háo Đức, Thanh Liêm, Thuận Thái. Đặc biệt, năm 2012, nhãn hiệu tập thể “Mai vàng Nhơn An” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, giúp nâng cao giá trị thương mại của mai vàng Bình Định. Nghề trồng mai góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ đói nghèo, giúp nhiều hộ có cuộc sống khá giả. Có thể kể đến, các hộ: Đặng Xuân Ngữ, Nguyễn Trường Hào (thôn Háo Đức), Phan Văn Sáu, Đào Văn Thìn (thôn Thanh Liêm)…, không chỉ đạt lợi nhuận cao mà còn là những người tiên phong trong việc phát triển nghề trồng mai tại đây, với cơ ngơi vững chắc.
Thăng trầm với cây mai
Ở thời kỳ hoàng kim của nghề trồng mai (khoảng năm 2003 - 2017), mỗi làng mai trong tỉnh chỉ có vài hộ trồng. Giai đoạn này, thị trường tiêu thụ mai mở rộng khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, trong khi cây mai miền Nam chưa phát triển mạnh mẽ như hiện tại. Các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang mới chỉ bắt đầu nhân rộng diện tích trồng, thương lái miền Nam đổ về Bình Định mua mai vàng đưa về bán. Không chỉ bán mai thành phẩm, người trồng mai Bình Định còn cung cấp cây giống cho nhiều tỉnh thành khác. “Tôi nhớ, năm đó bán một cây mai hơn 3 năm tuổi với giá 6 phân vàng (khoảng 450 nghìn đồng). Có lần, tôi bán 60 cây cho một khách ở Tiền Giang, thu được hơn 3 cây vàng”, ông Phan Văn Sáu kể lại trong tiếc nuối.
Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của mai vàng Bình Định đã mang đến nhiều hệ lụy, khi diện tích trồng mở rộng tự phát, thiếu quy hoạch, dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu” trong những năm gần đây, khiến việc tiêu thụ trở nên khó khăn.
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết, toàn tỉnh có khoảng 408,7 ha cây mai vàng, trong đó TX An Nhơn chiếm tới 84,2% tổng diện tích (344,1 ha). Ngoài An Nhơn, ở các vùng khác như Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn…, nghề trồng mai cũng manh nha phát triển.
Nhơn An được mệnh danh là “thủ phủ” mai vàng của An Nhơn, giờ đây lại phải đối mặt với nỗi lo khủng hoảng thừa khi lượng mai phát triển vượt tầm kiểm soát. Chủ tịch UBND xã Nhơn An Phan Long Hùng thừa nhận: “Toàn xã hiện có gần 60 ha mai vàng, trong đó chỉ có 45 ha theo quy hoạch, còn lại 15 ha là trồng tự phát”.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở xã Nhơn Hạnh, nơi đang có 32 ha mai vàng. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Thành trăn trở: “Người dân trồng mai ồ ạt, trong khi mai từ miền Tây Nam bộ đưa về Bình Định với giá rẻ, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt”.
Trước năm 2017, mai vàng Bình Định phát triển ổn định, giá cả thuận lợi, là “vàng xanh” của người dân nơi đây. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, thị trường mai rơi vào tình trạng bão hòa. Lợi nhuận từ mai vàng hấp dẫn nhiều người đổ xô vào trồng, bất chấp kinh nghiệm và kiến thức hạn chế.
Khủng hoảng thừa, mất vị thế độc tôn
Ông Nguyễn Thắng Cần (ở thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong), nông dân có 20 năm kinh nghiệm trồng mai, bùi ngùi chia sẻ: “Chỉ vì thấy người khác bán được vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mà nhiều người không phải nông dân chính hiệu cũng đổ xô vào trồng mai. Nhiều gia đình dốc hết vốn liếng, thậm chí cầm cố sổ đỏ vay ngân hàng để đầu tư trồng mai...”.
Sự phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch đã đẩy không ít người trồng mai vào cảnh lao đao. Cây mai vàng giờ đây trở thành gánh nặng cho những ai từng nghĩ rằng đây là con đường làm giàu nhanh chóng. Lợi dụng tình trạng cung vượt cầu và thị trường bão hòa, các thương lái đã ép giá xuống thấp trong vụ mai Tết vừa qua, khiến người trồng mai càng thêm khó khăn. Hệ quả, người trồng cần vốn tái đầu tư, buộc phải bán tháo cây mai 3 - 4 năm tuổi với giá “rẻ bèo” 150 - 200 nghìn đồng/cây, trong khi trước đây giá trị của những cây này cao gấp 2 - 3 lần.
Giá trị cây mai giảm, trong khi chi phí đầu tư khá lớn khiến nhiều người, đặc biệt những ai trồng sau đại dịch Covid-19 lo lắng trước gánh nặng nợ nần. Ông Nguyễn Thắng Cần phân tích thêm: “Trồng mai cần bơm thuốc ít nhất 2 lần/tháng, nếu cây bị sâu bệnh thì 3 - 4 lần, chưa kể phân bón, thuốc kích rễ và các chi phí khác như cọc tre, lạt buộc. Đầu tư lớn, nhưng người trồng chỉ có hai tuần cuối tháng Chạp để bán, nếu không bán được, rủi ro rất cao”.
Thực tế, nhiều hộ trồng mai không bán được trong dịp Tết vừa qua, dẫn tới chậm trả nợ vật tư đã mua. Cá biệt, có hộ không bán được cây mai nào, buộc phải vay mượn nơi khác để trả bớt nợ...
TRỌNG LỢI
• Kỳ 2: Thách thức môi trường và sức khỏe người dân