Mai đây, thủ phủ mai vàng...- Kỳ 2: Thách thức môi trường và sức khỏe người dân
Việc mở rộng diện tích trồng mai vàng tại Bình Định đang diễn ra tự phát, thiếu quy hoạch và quản lý chặt chẽ, không chỉ gây tác động tiêu cực đến tài nguyên đất, nước, không khí, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, do sự lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.
Tác động tiêu cực đến sức khỏe
Theo chia sẻ của những người trồng mai ở An Nhơn, định kỳ khoảng 7 - 10 ngày họ phải phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để bảo vệ cây khỏi bị sâu bệnh hại. Việc phun thuốc diễn ra không theo lịch trình cố định mà luân phiên giữa các vườn, tạo nên bầu không khí ô nhiễm mùi thuốc trừ sâu. Anh Nguyễn Hữu Thiện, người thường xuyên đi qua các vườn mai bên đường tránh QL 1 mới ở thôn Thuận Thái (xã Nhơn An), chia sẻ: “Những hôm họ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, mùi có phần dễ chịu, nhưng khi dùng thuốc hóa học thì mùi nồng nặc khó chịu; dù đã đeo khẩu trang, tôi vẫn cảm thấy buồn nôn”.
Nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo về những tác hại nghiêm trọng do người sử dụng - trong đó, không loại trừ người trồng mai xuân - lạm dụng hoặc dùng không đúng hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV.
Cụ thể, trong quá trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế), các bác sĩ ở đây đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc dị ứng với hóa chất, thuốc trừ sâu, kích ứng do hóa chất đậm đặc…, với các biểu hiện nổi ban đỏ, ngứa hoặc cảm giác bỏng rát ở da vùng tiếp xúc. Trường hợp không điều trị sớm có thể bị loét, hoại tử da, nhiễm trùng. Thậm chí, có trường hợp dị ứng nặng phải cấp cứu với tổn thương da rộng.
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa nhấn mạnh, việc lạm dụng các hóa chất BVTV, trong đó có thuốc trừ sâu vừa ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng, vừa tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng xung quanh. Những chất độc hại này thường xâm nhập vào cơ thể qua nhiều con đường khác nhau, như hô hấp, tiêu hóa khi ăn uống hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da và niêm mạc. Các tác động có thể rất nghiêm trọng, từ ngộ độc cấp tính xảy ra ngay lập tức nếu lượng hóa chất lớn xâm nhập vào cơ thể, đến ngộ độc mạn tính do tích lũy lâu dài trong cơ thể. Thậm chí, dẫn đến biến đổi gen, gây ung thư, suy đa phủ tạng, thai nhi dị dạng. Do đó, việc nhận thức rõ mối nguy hiểm và sử dụng cẩn trọng thuốc BVTV là vô cùng cần thiết.
Phun thuốc trừ sâu bệnh hại trên cây mai là yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: TRỌNG LỢI
Nguy cơ ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước
Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, trước đây, Sở từng lấy mẫu môi trường đất và nước tại làng nghề trồng mai thôn Háo Đức (xã Nhơn An) và chưa phát hiện dư lượng thuốc BVTV. Tuy nhiên, nếu thuốc không được sử dụng đúng cách, liều lượng và thời điểm, đặc biệt là sử dụng thuốc cấm hoặc ngoài danh mục, thì nguy cơ dẫn đến ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước, gây hậu quả nghiêm trọng là rất cao.
Điều đáng nói, dù chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm vi sinh để giảm thiểu tác động đến môi trường, nhưng nhiều người trồng mai còn ngần ngại chuyển sang thuốc sinh học vì hiệu quả diệt sâu bệnh không nhanh chóng như thuốc hóa học. Ông N.T.C, một người trồng mai ở thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong, chia sẻ: “Thuốc sinh học mùi nhẹ, an toàn hơn, nhưng tiêu diệt sâu bệnh chậm hơn thuốc hóa học. Đây là lý do nhiều người vẫn sử dụng thuốc trừ sâu hóa học”.
Việc mở rộng diện tích trồng mai không chỉ làm suy thoái đất và nguồn nước mà còn làm mất cân bằng hệ sinh thái. Những khu vực canh tác xung quanh các vườn mai ngày càng trở nên cằn cỗi do sử dụng quá nhiều hóa chất. Bên cạnh đó, người dân không xử lý rác thải từ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng cũng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm, mang đến nhiều rủi ro cho sức khỏe người dân. Chị N.T.A.N (36 tuổi, ở thôn Trung Định, xã Nhơn An) kể: “Khi tôi mang thai đứa con đầu lòng được 8 tuần, hít phải mùi thuốc sâu từ nhà kế bên, vài ngày sau tôi có triệu chứng, sẩy thai”.
Chưa có nghiên cứu rõ ràng về mối liên hệ giữa ung thư và việc lạm dụng thuốc BVTV trong trồng mai, nhưng nhiều người dân ở An Nhơn vẫn bày tỏ lo lắng về tình hình sức khỏe trong cộng đồng. Những năm gần đây, mỗi năm xã Nhơn An ghi nhận từ 1 - 2 ca tử vong vì ung thư, nhưng chưa thể kết luận liệu có liên quan đến việc lạm dụng hóa chất nông nghiệp hay không.
Chủ tịch UBND xã Nhơn An Phan Long Hùng thừa nhận, ảnh hưởng của thuốc trừ sâu và phân bón hóa học đến môi trường và sức khỏe là không thể phủ nhận. Ngành TN&MT cần tiến hành quan trắc môi trường định kỳ để tầm soát và nhận diện các nguy cơ ô nhiễm. Đây là cơ sở quan trọng hỗ trợ các địa phương kịp thời đưa ra khuyến cáo người dân, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống. Đồng thời, giúp cơ quan chức năng theo dõi những biến động về chất lượng đất, nước, không khí, từ đó có các giải pháp phòng ngừa và ứng phó kịp thời các sự cố ô nhiễm, đảm bảo phát triển bền vững.
Một trường hợp bị viêm da cơ địa trong quá trình lao động nông nghiệp đến khám tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Ảnh: Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa
Tự phát xây dựng lều, trại trên đất lúa
Theo ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX An Nhơn, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh đã triển khai Đề án phát triển làng nghề sản xuất cây mai vàng Nhơn An. Theo đó, tại xã Nhơn An được quy hoạch khu vực trồng mai tập trung có diện tích 45 ha, nằm phía Đông tuyến đường tránh QL 1 mới, thuộc các thôn Háo Đức, Trung Định (25 ha) và Thanh Liêm, Thuận Thái (20 ha) cùng 30 ha tại xã Nhơn Phong. Theo quy định, người dân chỉ được phép di chuyển chậu mai hiện có trong vườn nhà ra vùng quy hoạch trồng tập trung, không được phép xây dựng lều trại, cải tạo và làm thay đổi hiện trạng của đất.
Thế nhưng, do lo ngại về tình trạng trộm cắp mai, nhiều hộ dân đã dựng “nhà ở mini” rộng 20 - 40 m2 bằng khung sắt, lợp tôn bao phủ cây ngay trên đất lúa, biến thành nơi định cư, vi phạm quy hoạch đất đai. Tình trạng này dễ thấy khi đi dọc đường tránh QL 1 mới, qua các thôn Háo Đức, Trung Định, Thanh Liêm… Ngoài ra, tại khu vực phía Tây tuyến đường tránh QL 1 mới, dù không nằm trong quy hoạch của đề án, nhưng nhiều người vẫn đặt chậu mai và xây dựng lều, trại trên đất trồng lúa. Ông Phan Long Hùng phân bua: Chính quyền địa phương tạm cho phép để hỗ trợ người dân trong việc bảo vệ cây mai, nhưng các công trình tạm sẽ phải tháo dỡ khi có “lệnh” của nhà nước.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại xã Nhơn Phong, nơi diện tích trồng mai tăng nhanh thời gian gần đây, hiện đạt khoảng 75 ha. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phong Nguyễn Duy Thông thừa nhận, xã có khoảng 50 lều trại xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, hầu hết là các công trình tạm bợ. Xã đã yêu cầu tất cả hộ dân ký cam kết không kiên cố hóa các công trình và tháo dỡ khi có yêu cầu từ chính quyền.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) Nguyễn Văn Vinh cho hay: “Toàn xã có gần 10 ha trồng mai vàng, chủ yếu trồng trên ruộng kém hiệu quả. Xã đã chỉ đạo không được phép xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn vi phạm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm!”.
TRỌNG LỢI
Kỳ cuối: Để cây mai vàng phát triển bền vững