Mai đây, thủ phủ mai vàng... - Kỳ cuối: Để cây mai vàng phát triển bền vững
Ðể phát triển bền vững nghề trồng mai vàng ở Bình Ðịnh, chính quyền cần siết chặt quy hoạch phát triển cây mai, kiểm soát việc sử dụng đất và hạn chế lạm dụng hóa chất nông nghiệp. Ðồng thời, cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, khai thác chỉ dẫn địa lý và xây dựng chuỗi sản xuất mai sạch, nhằm nâng cao giá trị thương hiệu.
Kiểm soát diện tích và bắt nhịp xu thế thị trường
Mai vàng Bình Định là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, việc phát triển diện tích trồng ồ ạt đang dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), nhấn mạnh, mai vàng được xem là cây trồng đặc thù của tỉnh, nhưng không phải là cây trồng chủ lực. Việc mở rộng diện tích trồng mai cần phải dựa trên quy hoạch, tuân thủ các định hướng phát triển làng nghề mai vàng Nhơn An đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Việc phát triển nghề trồng mai vàng ở Bình Định đã đến lúc phải điều chỉnh, đặc biệt về diện tích, để cân bằng cung cầu. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Ông Cang lưu ý thêm, việc phát triển nghề trồng mai cần có sự theo dõi sát sao từ phía chính quyền địa phương, cả về quy mô diện tích, dự báo thị trường lẫn thị hiếu của người tiêu dùng nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu, đồng thời đảm bảo nghề trồng mai phát triển bền vững, không chỉ phạm vi trong tỉnh mà còn mở rộng ra thị trường trong nước.
Điều này đòi hỏi người trồng mai phải liên tục điều chỉnh sản phẩm để phù hợp với thị hiếu. Ông Nguyễn Thành Toàn, Trưởng ban vận động thành lập CLB Bonsai Gia Lai, chia sẻ: Thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi, chuyển từ những cây mai có dáng uốn lượn cầu kỳ sang những cây bonsai nhỏ gọn, dễ chăm sóc và phù hợp với không gian sống hiện đại. Ngoài ra, xu hướng thuê mai để trưng Tết cũng ngày càng phổ biến hơn, để tiết kiệm chi phí. Đây là xu hướng mà người trồng mai vàng ở Bình Định cần nắm bắt và điều chỉnh sản xuất.
Hướng đến trồng mai sạch
Việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong nghề trồng mai vàng tại Bình Định đang trở thành vấn đề cấp thiết. Chất lượng cây mai cần được đảm bảo đi đôi với tính sạch và bền vững. Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX An Nhơn, khẳng định, người trồng mai cần thay đổi thói quen canh tác, hướng tới việc trồng mai sạch bằng cách sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế cho hóa chất độc hại.
Từ năm 2019, Đề án làng nghề sản xuất mai vàng An Nhơn đã được tỉnh phê duyệt, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và phát triển chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ bền vững. Mục tiêu đến năm 2025 là giảm 50% thuốc hóa học và giảm 20% số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây mai.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho hay: “Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với UBND TX An Nhơn để hướng dẫn xây dựng và duy trì các mô hình trồng mai ít ô nhiễm, thực hiện các phương án bảo vệ môi trường làng nghề, duy trì tiêu chí bảo vệ môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới; định kỳ quan trắc và đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại làng nghề, nhằm kịp thời cảnh báo và đề xuất giải pháp xử lý hiệu quả”.
Để đạt được mục tiêu này, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và hội nông dân các cấp tổ chức nhiều đợt tập huấn cho người dân về kỹ thuật canh tác an toàn, khuyến khích sử dụng phân hữu cơ và thuốc BVTV sinh học. Ông Cư cho biết, thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc thực hiện các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV theo tiêu chuẩn “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều, đúng cách và đúng thời điểm). Bên cạnh đó, thị xã cũng đầu tư xây dựng các bể chứa vỏ thuốc BVTV, giúp quản lý tốt hơn chất thải trong quá trình sản xuất.
Xã Nhơn Hạnh là một điển hình tích cực trong việc phát triển mô hình trồng mai sạch. Ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hạnh, cho hay, xã đã thành lập 3 tổ liên kết trồng mai an toàn sinh học, với gần 100 thành viên. Việc áp dụng các phương pháp canh tác sạch không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng giá trị kinh tế cho cây mai.
Tại huyện Tuy Phước, xã Phước Hưng cũng đã xây dựng 2 nhà lưu chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại thôn An Cửu và Tân Hội. Nông dân thu gom vỏ thuốc hằng tuần và hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và môi trường Hậu Sanh để thu gom, tiêu hủy an toàn. Đây là những nỗ lực quan trọng để bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển nghề trồng mai vàng.
Tăng cường quảng bá, nâng cao thương hiệu
Nhằm giúp cây mai vàng phát triển bền vững và trở thành một sản phẩm chủ lực mang tính biểu tượng của tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển làng nghề mai vàng Nhơn An. Dựa trên đề án, TX An Nhơn đã thành lập 3 HTX sản xuất và tiêu thụ mai vàng tại các xã Nhơn An, Nhơn Phong và Nhơn Hạnh; tập trung xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm và tham gia các hoạt động quảng bá.
Tuyến đường tại vùng quy hoạch trồng mai tập trung Nhơn An qua thôn Thuận Thái được xây dựng, tạo điều kiện cho việc vận chuyển, mua bán mai vàng. Ảnh: T.L
Thị xã cũng đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng trồng mai, gồm hệ thống giao thông, điện, nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong canh tác, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Ông Phan Trường Lưu, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TX An Nhơn, cho biết, đến nay, 2 tuyến đường tại vùng quy hoạch trồng mai tập trung Nhơn An với tổng chiều dài 2,35 km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng với đó, công trình đường dây 22 kV, đường dây 0,4 kV và hai trạm biến áp 3 pha cũng đã được xây dựng, tạo thuận lợi cho việc canh tác. Đặc biệt, khu hoa viên kết hợp điểm trưng bày mai vàng và sản phẩm làng nghề tại làng Trung Định (xã Nhơn An), với diện tích 2,3 ha, đã góp phần đáng kể trong việc quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho cây mai vàng Bình Định, mở ra cơ hội lớn cho việc bảo vệ danh tiếng, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Theo bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN, việc mai vàng Bình Định được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người trồng và cơ quan quản lý. Bảo hộ giúp bảo vệ tài sản trí tuệ của người trồng, đảm bảo tính minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng sức cạnh tranh và giá trị kinh tế cho mai vàng so với những sản phẩm cùng loại chưa được đăng ký bảo hộ.
Những bước đi mạnh mẽ trong quản lý, quảng bá và phát triển sản phẩm sẽ là nền tảng vững chắc để cây mai vàng Bình Định tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu trên thị trường, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do UBND tỉnh tổ chức ngày 8.10, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định, mai vàng Bình Định từ lâu đã nổi tiếng với chất lượng và vẻ đẹp đặc trưng. Sau cơn bão số 3 vừa qua, nhiều khu vực miền Bắc bị thiệt hại nặng nề, các loại cây cảnh như đào, quất gần như mất mùa hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, mai vàng Bình Định được dự báo sẽ là lựa chọn thay thế hàng đầu của người chơi hoa trong dịp Tết năm nay.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cảnh báo về vấn đề lạm dụng thuốc trừ sâu trong quá trình chăm sóc cây mai vàng; nguy cơ dư lượng thuốc trừ sâu có thể ngấm vào nguồn nước ngầm, gây hại đến sức khỏe cộng đồng ở khu vực trồng mai. Vì vậy, nông dân cần thay đổi phương thức canh tác, theo hướng thân thiện với môi trường. Để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cây trồng, nông sản của tỉnh (trong đó có cây mai), Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, từ năm 2025, tỉnh sẽ triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Các vi phạm về việc sử dụng thuốc trừ sâu sẽ bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí có thể bị xử lý hình sự nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
TRỌNG LỢI