Tái đàn heo phục vụ thị trường cuối năm: Kỳ vọng giá cao, dịch bệnh được kiểm soát
Người chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực tái đàn heo, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp cuối năm. Để đàn heo sinh trưởng và phát triển tốt, các hộ đặc biệt chú trọng công tác chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh, xem đây là yếu tố then chốt.
Tập trung tái đàn
Ông Nguyễn Văn Công, ở thôn Tân Hóa Bắc, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát), cho biết gia đình đang nuôi 40 con heo con được 20 ngày tuổi. Dự kiến khi đàn heo này đạt 23 - 25 ngày tuổi, ông sẽ tách riêng để nuôi tiếp. Ngoài ra, ông còn có khoảng 60 con heo lứa chừng 1 tháng tuổi, sẵn sàng xuất chuồng trước tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Tính tổng cộng, ông Công dự kiến xuất bán khoảng 100 con heo để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm.
Trong đợt bán gần đây, heo xuất chuồng của ông Công đạt giá 64.000 - 65.000 đồng/kg heo hơi, tăng 9.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. “Năm nay, giá heo duy trì mức cao ổn định, người nuôi có lãi tốt”, ông phấn khởi chia sẻ.
Để đàn heo phát triển tốt, ông Công đặc biệt chú trọng khâu chăm sóc và bảo vệ chuồng trại. Trang trại của ông được giăng lưới kín xung quanh để ngăn côn trùng như ruồi, muỗi xâm nhập, đồng thời thường xuyên vệ sinh sát trùng khu vực chuồng trại. Ông cũng kiểm soát kỹ người ra vào chuồng bằng cách yêu cầu vệ sinh giày dép, thay trang phục trước khi tiếp xúc với đàn heo.
Ông Công nhấn mạnh: “Việc tiêm phòng vắc xin định kỳ là yếu tố quan trọng giúp duy trì sức khỏe đàn heo. Hiện, đàn heo của tôi đã được tiêm các loại vắc xin phòng ngừa nhiều bệnh, trong đó có dịch tả heo cổ điển, tai xanh, tụ huyết trùng, phó thương hàn, các bệnh ký sinh trùng và cả dịch tả châu Phi”.
Tại xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân), ông Nguyễn Thanh Nhất - người đã có 8 năm kinh nghiệm nuôi heo ở thôn Kim Sơn cũng đang tất bật cho vụ nuôi cuối năm. Đầu tháng 9 âm lịch, ông Nhất mua 100 con heo giống với giá 175 nghìn đồng/kg. Đàn heo này dự kiến xuất chuồng vào giữa tháng Chạp để kịp phục vụ thị trường Tết.
Ông Nhất cho biết, đầu năm 2024 đến cuối tháng 8 âm lịch, ông nuôi và xuất bán được 2 lứa heo, với giá từ 53.000 - 60.000 đồng/kg heo hơi. Đây là mức giá có lãi cho người nuôi, trong khi chi phí thức ăn không tăng mạnh.
Trang trại của ông Nhất rộng 360 m², được che chắn cẩn thận bằng vải mùng để ngăn côn trùng và kết hợp phun thuốc sát trùng, rắc vôi xung quanh chuồng trại. Ông cũng duy trì việc tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn heo, gồm các loại như E.coli, tụ huyết trùng và sắp tới sẽ tiếp tục tiêm các vắc xin phòng dịch tả châu Phi, tai xanh.
“Để đàn heo khỏe mạnh, ngoài việc tiêm phòng đầy đủ, tôi còn kiểm soát kỹ người ra vào chuồng trại và giữ chuồng sạch sẽ, thông thoáng,” ông Nhất chia sẻ và kỳ vọng sẽ thu lãi cao trong vụ nuôi này, góp phần phục vụ thị trường cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Công, ở thôn Tân Hóa Bắc, xã Cát Hanh (huyện Phù Cát) đang chăm sóc đàn heo 1 tháng tuổi, dự kiến vài ngày nữa sẽ tách mẹ để nuôi thịt. Ảnh: T.LỢI
Tăng cường biện pháp an toàn dịch bệnh
Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), đầu năm 2024 đến nay, một số ổ dịch lẻ tẻ đã xuất hiện nhưng đều được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tái phát vẫn cao do mầm bệnh tồn tại trong môi trường, hoạt động vận chuyển, mua bán gia súc tăng mạnh trong dịp cuối năm và thời tiết chuyển biến thất thường. Dự báo thời gian tới, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra và diễn biến phức tạp. Hiện nay, đã có 1.139 ổ dịch tại 47 tỉnh, thành trong cả nước. Nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi và lây sang người tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh trên phạm vi cả nước trong thời gian tới là rất cao.
La Nina, gây mưa lớn, dông, lốc và sét kéo dài, tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát nếu không chủ động các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Toàn tỉnh có hơn 695.900 con heo, phấn đấu đạt hơn 759.400 con vào cuối năm 2024. Ông Diệp khuyến nghị các địa phương chủ động tuyên truyền và hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh hiệu quả; sử dụng con giống rõ nguồn gốc và thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin; vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ hàng tuần để loại bỏ mầm bệnh. Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương để kịp thời báo cáo và xử lý khi phát hiện dấu hiệu dịch bệnh. Chi cục đã phân công thành viên các tổ phòng chống dịch bám sát địa bàn, kiểm tra công tác tiêm phòng và giám sát hoạt động tái đàn.
Ông Diệp nhấn mạnh: “Chỉ khi thực hiện đồng bộ các biện pháp, đàn heo mới có thể phát triển khỏe mạnh, bền vững, đảm bảo nguồn cung cho thị trường và giảm thiểu rủi ro dịch bệnh”.
Hoài Ân được mệnh danh là “vựa heo” của miền Trung - Tây Nguyên, đang tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn heo. Theo ông Huỳnh Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, toàn huyện có khoảng 220 nghìn con heo (35.000 heo nái, 185 nghìn heo thịt và hơn 30.000 heo con theo mẹ). Hoạt động tái đàn bắt đầu từ đầu tháng 9 âm lịch và dự kiến đến cuối năm 2024, tổng đàn heo sẽ đạt 261.660 con, trong đó đàn nái duy trì ở mức 35.000 con và heo thịt tăng lên 226.660 con.
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân đang phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn an toàn theo các nguyên tắc nghiêm ngặt về cách ly, vệ sinh, khử trùng và an toàn sinh học, dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, triển khai đăng ký và tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi theo chỉ đạo cấp trên và theo dõi hiệu quả sau tiêm. Đặc biệt, khuyến khích người nuôi phát triển mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; phân công giám sát tận cơ sở, sẵn sàng báo cáo và xử lý nhanh khi có dịch bệnh. Ngoài ra, thực hiện kiểm tra chặt chẽ, xử phạt nghiêm các trường hợp kinh doanh, vận chuyển động vật nhiễm bệnh hoặc giết mổ không đúng quy định.
TRỌNG LỢI