Đọc Người ăn chay bên hoa viên Quy Nhơn - Yongsan
Tôi có thói quen đọc sách ngoài trời hoặc trên tàu xe. Vì thế khi được tin nhà văn Hàn Quốc Han Kang được trao giải Nobel Văn chương, tôi nảy ra ý tưởng, mang sách của Han Kang ra hoa viên Quy Nhơn - Yongsan để đọc.
Quy Nhơn và Hàn Quốc có mối liên hệ đặc biệt, Quy Nhơn có đường Yongsan và Seoul có đường Quy Nhơn trong khu phố Tây sôi động của Itaewon. Chuyện đôi khi hơi “cục bộ” ấy dù cũng vui, nhưng hơn hết, cuốn tiểu thuyết The Vegetarian, qua bản Việt ngữ của nữ dịch giả Hoàng Hải Vân là Liên truyện Người ăn chay (NXB Trẻ - 2010), thật sự ám ảnh và cuốn hút.
***
Phải nói, cái tên Han Kang vốn chưa quen thuộc lắm với độc giả Việt, nhưng khi Viện Hàn lâm Thụy Điển xướng danh trong ngày 10.10 vừa qua, “vì văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt của bà khi đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người”, mọi chuyện thay đổi cái rụp. Quá trình 123 năm giải thưởng này, tỷ lệ trẻ, tỷ lệ phụ nữ và tỷ lệ châu Á quá đỗi khiêm tốn, nên việc của nữ sĩ Han Kang lập tức thu hút sự chú ý cũng là bình thường.
Nhân vật xuyên suốt là thiếu phụ Yeong-hye, qua góc nhìn của người chồng gồm hơn 50 trang Người ăn chay, qua trường đoạn của ông anh rể gồm hơn 70 trang Vết chàm Mongolia, và qua tâm cảm của người chị ruột gần 70 trang Cây pháo hoa. Cả tiểu thuyết, dường như Yeong-hye rất ít nói, mà chỉ qua góc nhìn và mô tả từng hành động trong mắt chồng (sau đó ly dị), trong mắt ông anh rể (sau đó cũng ly dị vợ và biến mất khỏi đời sống cô em vợ), cuối cùng là người chị ruột theo kết nối máu mủ ruột rà và chức phận che chở của tình yêu thiên bẩm từ thơ ấu dưới roi vọt gia trưởng của người cha - điển hình của chế độ phụ quyền trong xã hội Hàn Quốc truyền thống.
Tác giả cùng tác phẩm Người ăn chay ở hoa viên Quy Nhơn - Yongsan.
Từ những giấc mơ, nói đúng ra là những cơn ác mộng khác nhau, thụ động như bản thể bị tước đoạt sinh mệnh, bị tra vấn, đến chủ động làm kẻ thủ ác với đồng loại và với động vật, Yeong-hye “chỉ còn lại cảm giác rợn người, nhớp nháp, tàn nhẫn khủng khiếp”, mà các nhà lý luận gọi là “mơ hồ sinh thái” - những tương tác phức tạp, đầy mâu thuẫn giữa con người và thế giới tự nhiên.
Yeong-hye từ không thích mặc áo ngực đến cương quyết từ chối việc ăn thịt, dưới mắt đức ông chồng bỗng nhiên thành quái gở, gây những định kiến trong bữa tiệc vợ chồng sếp công ty chồng khoản đãi, rắc rối trong đời sống gia đình, đỉnh điểm là cái tát của ông bố, cô cương quyết cầm con dao gọt hoa quả để cắt tay, máu phun như vòi nước, và người anh rể cõng từ lầu xuống xe chuyển đi bệnh viện.
Sự ám ảnh của một đạo diễn video trong tương quan anh rể qua Vết chàm Mongolia, mơ màng về cơ thể thụ động của em vợ, toan tính và triệt để lợi dụng bằng thẩm mỹ và tình dục: “Tất cả đều hoàn hảo. Hệt như phác thảo. Cảnh bông hoa màu đỏ mở ra khép lại trên vết chàm Mongolia của cô được lặp đi lặp lại nhiều lần. Anh rùng mình. Man rợ nhất, nhưng đồng thời cũng là sự kết hợp của những hình ảnh đẹp nhất”.
Sau này, khi đưa em trên xe cấp cứu chuyển lên bệnh viện lớn Seoul, người chị gái nhớ lại, khi xem đoạn video tự động của người chồng thực hiện ngày ấy: “Cơ thể của họ phủ đầy hoa, lá, cành màu xanh, chúng lạ lẫm như không phải người vậy. Những động tác cơ thể của họ trông như đang vật lộn để thoát khỏi con người. Không hiểu anh làm đoạn phim đó với ý đồ gì. Mà anh đánh cược tất cả cuộc đời mình vào cái đoạn phim quái dị, tệ bạc đó, để rồi mất tất cả”.
Điểm cuối cùng là tin tưởng mình biến thành một cái cây khi xuất phát đầu tiên là đột ngột bỏ ăn thịt, từ phản đối kịch liệt của chồng, cha, những hậu quả bạo lực liên tục xảy ra với Yeong-hye. Sự nổi loạn chống lại kiểm soát của chế độ gia trưởng và kỳ vọng áp bức của xung quanh, không ai hiểu mình, đã nhấn cô vào một trạng thái gần như loạn thần, sau đó từ chối triệt để mọi thứ thức ăn, đã làm cho y học bó tay, sự thuyết phục thao thiết trong tình cảm của người chị gái - điểm tựa cuối cùng trong đường dây huyết thống - cũng thành vô vọng.
Qua tiểu thuyết Liên truyện Người ăn chay, Han Kang đã gây ám ảnh khám phá bạo lực giới tính siêu thực và táo bạo. Ngoài tác phẩm này, Hội đồng giải thưởng đã xét hệ thống tác phẩm của Han Kang, như Tình yêu ở Yeosu, Gió thổi, hãy đi, Những bài học tiếng Hy Lạp, Hành động của người, trắng, Chúng ta không chia tay, Hồi phục…, như trong bài viết của Chủ tịch Ủy ban Nobel Anders Olsson, Người ăn chay là bước đột phá quốc tế lớn của tác giả này. Từ ngày 10.10 đến giờ, trên các trang The Nobel Prize, The Korea Times, và các báo chí văn chương quốc tế, Hàn Quốc cũng như Việt Nam liên tục cập nhật các tin tức, bài viết phân tích nhiều tác phẩm của Han Kang cũng như hiệu ứng xã hội, thương mại ở độc giả và các nhà xuất bản, hệ thống phát hành sách ở Hàn Quốc sau 4 ngày đã bán hơn nửa tỷ bản sách.
Thái độ khiêm tốn nhẹ nhàng của tác giả, trong quan điểm không ăn mừng, không tổ chức họp báo khi loài người đang trải qua các thảm kịch của chiến tranh, và Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải cho bà không phải để tận hưởng mà để tỉnh táo hơn, đã đốn tim độc giả rộng rãi, tất nhiên trong số đó có không ít độc giả Việt - và cũng xin chia sẻ trong số đó có tôi, kẻ viết bài này!
NGUYỄN THANH MỪNG