Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là công trình biểu tượng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Ngày 20.10, tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt "Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2026-2030 và về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch năm 2025; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Đối với chiến lược phát triển KT-XH 2026-2030, Thủ tướng cho biết về mục tiêu tổng quát, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, thuộc 30 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới, tạo tiền đề vững chắc đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc vào năm 2045...
Chiến lược phát triển KT-XH 2026 - 2030 cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7,5 - 8,5%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 7.400 - 7.600 USD. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 28 - 30% GDP. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 6,5 - 7,5%/năm. Tỉ trọng kinh tế số đạt khoảng 25 - 30% GDP…
Về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất phát triển đường sắt tốc độ cao là tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo động lực quan trọng để phát triển KT-XH nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thân thiện môi trường.
Theo Thủ tướng Chính phủ, cần thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong việc huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thành đồng bộ toàn tuyến, trong đó ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định.
Cùng với đó, xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành dự án; phát triển công nghiệp, nhân lực đường sắt để làm chủ công tác vận hành, bảo trì và từng bước làm chủ sản xuất các thiết bị, phương tiện; ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.
Thủ tướng cũng đã đề cập đến quyết tâm chính trị để thực hiện dự án, cũng như đổi mới cách làm, cách quản lý để triển khai dự án đặc biệt quan trọng nay. Nhấn mạnh quyết tâm thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ cho rằng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ là công trình biểu tượng của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Minh Chiến (NLĐO)