Cần ngăn chặn hành vi bẫy chim sẻ
Giữa tháng 10.2024, tại một đồng ruộng ở xóm 3, thôn Bình Long, xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), chúng tôi bắt gặp một người đàn ông trung niên đi xe gắn máy, phía sau xe chở lồng sắt nhốt gần 40 con chim sẻ, cùng các sào inox 3 chạc, dài gần 1,5 m bôi đầy keo nhựa dính.
Ở một cột điện gần đó, người đàn ông này bắt đầu lắp dụng cụ bẫy, rồi treo sào inox đã dính keo lên cao và dùng điện thoại điều khiển tiếng loa máy dụ chim sẻ đến để bẫy. Chỉ khoảng 15 phút sau, từ tiếng dẫn dụ của máy phát, bầy chim sẻ lao đến đậu trên cây sào inox và bị dính cứng không thể nào bay thoát ra được. Sau đó, người đàn ông này bắt đầu tới “thu hoạch” 6 con chim sẻ và thu dọn đồ nghề đi tìm địa điểm khác để tiếp tục bẫy chim.
Người đàn ông này cho biết, nhà ở huyện Tuy Phước và làm nghề bẫy chim sẻ đã lâu, có ngày bẫy được mấy trăm con và bán cho một số đại lý mua bán chim phóng sinh tại TP Quy Nhơn, với giá dao động từ 5.000 - 8.000 đồng/con.
Chim sẻ là loài ăn côn trùng, giúp ngăn chặn các loại sâu hại, cào cào, châu chấu. Vì thế, việc bẫy chim khiến loài chim này bị suy giảm số lượng nghiêm trọng, tác động xấu đến môi trường, sản xuất nông nghiệp, làm mất cân bằng sinh thái.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu rõ và tự giác bảo vệ loài chim; có các chế tài xử lý nghiêm hành vi bẫy chim như trên.
TRIỀU CHÂU