Đôi điều chia sẻ về bài Vọng Kim Lang
Hiện nay, làn điệu bài Vọng Kim Lang được rất nhiều nghệ sĩ sử dụng trong sáng tác chuyển thể và nhạc thính phòng. Đặc biệt ở khu vực Trung bộ và Nam bộ, mọi người nghe giai điệu bài này rất thân quen và gần gũi. Từ đó,nhiều người ngộ nhận nó là một điệu thức của dân ca Nam bộ, hoặc là một điệu lý trong kho tàng dân ca cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Với tư cách là người hiểu biết về nguồn gốc xuất xứ và hoàn cảnh ra đời của bài này, tôi xin làm sáng tỏ làn điệu Vọng Kim Lang.
Bài Vọng Kim Lang là một sáng tác hiện đại của nhạc sĩ Hoàng Lê (1924 - 1987, quê ở TX Hoài Nhơn), viết trong vở dân ca Bài chòi Nghìn thu vọng mãi của tác giả Lưu Trọng Lư, được dàn dựng vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ XX.
Đồng cảm với tâm tư của tác giả kịch bản, nhạc sĩ Hoàng Lê đã viết giai điệu bài Vọng Kim Lang nói lên nỗi lòng của Thúy Kiều đối với Kim Trọng qua ca từ: Chốn Liêu Dương cách trở muôn trùng/ Trông theo chàng từ bóng ngựa khuất quan san/ Thiếp trông theo chàng từ bóng ngựa khuất quan san/ Mộng vàng đêm trường ai về thấp thoáng/ Tỉnh ra lại, lại tủi suốt canh chầy/ Thấy ai trong mộng mà nhớ buổi chia tay/ Dáng ai lên đường kìa vó ngựa bước đâu đây/ Người đi ta đếm xuân sang/ Xuân sang rồi lại sang xuân/ Mà sao nhìn về Liêu Dương bóng chim vẫn mờ tăm”.
Nhạc sĩ Hoàng Lê đã viết ca từ và giai điệu âm nhạc để biểu đạt tình cảm và nỗi niềm của Thúy Kiều đối với Kim Trọng, nương theo thi phẩm văn chương của Nguyễn Du trong lời thơ miêu tả tâm trạng nhân vật “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng/ Tin sương luống những rày trông mai chờ”, “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song”.
Năm 1975, dựa theo đúng giai điệu Vọng Kim Lang, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm đã viết lời mới cho bài Đêm trăng nhớ Bác và được rất nhiều nghệ sĩ hát bài này.
Đến năm 1978, khi phối nhạc bài Vọng Kim Lang trong chương trình Dân ca nhạc cổ phát trên sóng Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, các nhạc sĩ Thanh Hải và Văn Giỏi đã thêm một số nốt nhạc theo phong cách cải lương và dân ca Nam bộ và được phổ biến mạnh mẽ từ đó đến nay.
Rõ ràng bài Vọng Kim Lang của nhạc sĩ Hoàng Lê - xin nhắc lại một tác phẩm hiện đại - đã chuyển thành làn điệu dân ca, có lẽ do thời điểm này, tình trạng “lý hóa” các giai điệu âm nhạc từ bài gốc chuyển thành dân ca Nam bộ đã xảy ra không ít. Ở đây, xin nêu những trường hợp như một số sáng tác của nhạc sĩ Phạm Lý Khi bóng em qua cầu chuyển thành Lý qua cầu, Trách ai vô tình chuyển thành Lý Mỹ Hưng, Chung một vầng trăng chuyển thành Lý trăng soi, Ngày xuân hát lý Tư Phùng chuyển thành Lý Tư Phùng... Hay một sáng tác của nhạc sĩ Phan Nhân Trên quê hương Minh Hải chuyển thành Lý Năm Căn, bài hát Son sắt một lòng của nhạc sĩ Đắc Nhẫn chuyển thành Lý son sắt...
Vì thế, trường hợp bài Vọng Kim Lang bị nhiều người ngộ nhận cũng là chuyện không quá khó hiểu. Tuy nhiên, tác giả bài viết này mong rằng mọi người hãy giữ nguyên tắc bản quyền, để chúng ta thể hiện tôn trọng tác giả và chung hưởng một đời sống văn hóa trong sáng, lành mạnh hơn.
NGUYỄN DỰ