Nâng cao thương hiệu nông sản Bình Định
Để các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương có thể tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả, các sở, ngành, chính quyền địa phương và các cơ sở sản xuất đã tích cực hợp tác và tìm kiếm phương thức đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Động thái này giúp mở rộng thị trường, tăng thu nhập và đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản.
Với hơn 20 sản phẩm bánh tráng hiện đang được bán trên các sàn thương mại điện tử, Công ty CP IPP Sachi đã có cơ hội tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng, đồng thời kiểm soát được chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình sản xuất. Nhờ đó, một số sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang Mỹ và Đài Loan, đem lại doanh thu ngày càng gia tăng.
Trong năm 2022, HTX nông nghiệp thanh niên Hoài Ân đã đưa 13 sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Bưu điện Việt Nam (Buudien.vn). Đây đều là các sản phẩm OCOP chất lượng cao đã được người tiêu dùng tin tưởng và yêu thích như bưởi da xanh, trà Gò Loi, bún, phở, mật ong, gạo hữu cơ…
Song song với hình thức bán hàng truyền thống, việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh đã cho phép người tiêu dùng đánh giá trực tiếp chất lượng sản phẩm. Thông tin minh bạch cùng quá trình mua bán dễ dàng, giúp nâng cao uy tín của các chủ thể kinh doanh nông sản.
Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử là xu hướng tất yếu, tạo cơ hội gia tăng giá trị cho nông sản. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng này, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc đào tạo kỹ năng số cho người nông dân, đồng thời khuyến khích tăng cường liên kết sản xuất. Điều này nhằm không ngừng cải thiện chất lượng, góp phần nâng cao vị thế thương hiệu nông sản địa phương trên thị trường trong nước và quốc tế.
PHAN TUẤN (thực hiện)