Tây Sơn: “Điểm sáng” phát triển rừng FSC và rừng gỗ quý
Tây Sơn là địa phương tiên phong của tỉnh Bình Định trong việc phát triển rừng đạt chứng chỉ FSC, trồng rừng gỗ lớn và rừng cây gỗ quý bản địa. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế cho địa phương, mang lại thu nhập ổn định và bền vững cho người dân, mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường, cải thiện sinh thái và tạo ra nền tảng cho sự phát triển lâu dài.
Chuyển đổi nhận thức từ việc trồng rừng FSC
Trồng rừng có chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council) đang dần trở thành phong trào lớn mạnh của nông dân tại Tây Sơn. Mô hình này không chỉ giúp người dân đạt thu nhập cao hơn khi bán gỗ, mà còn đảm bảo sự bảo vệ lâu dài cho môi trường, duy trì độ che phủ rừng và bảo tồn hệ sinh thái.
Điển hình cho sự chuyển đổi thành công là ông Trần Mạnh Hùng (thôn An Hội, xã Bình Tân), người đã gặt hái được lợi ích lớn từ mô hình trồng rừng FSC. Ông Hùng chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ biết trồng rừng theo kiểu truyền thống, thu hoạch khi cây còn non, nhưng từ khi tham gia mô hình FSC, tôi hiểu được giá trị bền vững của việc để cây lớn. Năm nay, tôi vừa bán 7 ha rừng keo đã đạt chứng chỉ FSC với giá gần 1,2 tỷ đồng. Nếu trước đây, bán rừng trồng mới 5 năm tuổi, giá chỉ khoảng 80 triệu đồng/ha thì nay, tôi đã thu được gần gấp đôi lợi nhuận khi thu hoạch rừng 8 năm tuổi”.
Ông Hùng cho biết thêm, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và DN trong việc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và giúp đỡ tìm đầu ra, người dân ngày càng yên tâm với việc trồng rừng theo chuẩn FSC. Các DN như Công ty TNHH Năng lượng sinh học Tín Nhân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến mô hình trồng rừng FSC. Chỉ trong tháng 9 vừa qua, các buổi tập huấn do Công ty tổ chức tại 3 xã Bình Thuận, Tây Thuận và Bình Tân đã thu hút 270/279 hộ dân đăng ký trồng rừng có chứng chỉ FSC tham gia.
Theo ông Nguyễn Vương Chính Thuần, Trưởng phòng Kỹ thuật lâm nghiệp của Công ty TNHH Năng lượng Sinh học Tín Nhân, việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân là cả một quá trình dài. “Ban đầu, người dân chưa hiểu hết lợi ích của việc trồng rừng FSC. Nhưng qua các buổi tập huấn, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, chúng tôi đã dần thuyết phục được họ về tầm quan trọng của việc quản lý rừng bền vững, không chỉ tăng giá trị kinh tế mà còn giúp bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất và bảo vệ nguồn nước”, ông Thuần trải lòng.
Cùng với việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cho người dân; tạo “cầu nối” giữa DN và người trồng rừng để được giải đáp những vướng mắc; huyện Tây Sơn còn phối hợp với các công ty tổ chức thực hiện một số mô hình thí điểm để chứng minh cho người dân thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của việc trồng rừng gỗ lớn. Nhờ những cách làm khoa học, bài bản đó, từ 114 ha rừng được thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, huyện Tây Sơn đã có 2.500 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Trong đó, Công ty Năng lượng Sinh học Phú Tài triển khai thực hiện liên kết cấp chứng chỉ rừng cho nhóm hộ tại 8 xã với trên 1.481 ha; Công ty TNHH Năng lượng sinh học Tín Nhân cấp chứng chỉ cho các nhóm hộ tại 3 xã với diện tích trên 992 ha.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (bìa phải) thường xuyên thăm hỏi, động viên ông Nguyễn Văn Hữu (thứ hai từ phải sang) giữ rừng trắc đỏ quý hiếm. Ảnh: ĐINH NGỌC
Thúc đẩy trồng rừng gỗ quý bản địa
Không dừng lại ở việc phát triển rừng FSC, Tây Sơn còn đi đầu trong việc khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn và các loại cây gỗ quý bản địa. Đây là bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn các giống cây bản địa có giá trị cao, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập bền vững cho người dân. Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng nhận định: “Trồng rừng FSC là nền tảng, nhưng để phát triển bền vững, cần mở rộng mô hình trồng rừng gỗ quý bản địa. Những giống cây này không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần duy trì hệ sinh thái và bảo vệ môi trường”.
Một người trồng rừng gỗ quý tiêu biểu là ông Lý Tấn Tin (xã Tây Phú), người đã chăm sóc hơn 500 cây xà cừ trong suốt 20 năm qua, cho biết: “Nhiều thương lái đến hỏi mua rừng xà cừ của tôi với giá cao, nhưng tôi từ chối bán. Tôi quyết tâm giữ lại khu rừng này không chỉ vì giá trị kinh tế mà còn vì muốn giữ gìn môi trường cho con cháu sau này”. Bên dưới tán rừng, ông Tin còn kết hợp trồng cây ăn quả và nuôi gia súc, gia cầm để có thêm nguồn thu nhập thường xuyên.
Cây xà cừ 20 năm tuổi có đường kính 0,6 m của ông Lý Tấn Tin (thứ 2, từ phải sang). Ảnh: ĐINH NGỌC
Cũng tại Tây Sơn, nhiều hộ dân khác đã chuyển sang trồng các loại cây gỗ quý như lim xanh, trắc đỏ, gõ đỏ… Ông Nguyễn Văn Hữu (thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú) là một trong những hộ dân tiên phong trồng trắc đỏ trên diện tích 4 ha. Ông Hữu cho biết: “Tôi bắt đầu trồng trắc đỏ từ 8 năm trước. Nhiều người hỏi mua nhưng tôi không bán, vì tôi tin rằng giá trị của rừng sẽ còn tăng theo thời gian và quan trọng hơn, tôi muốn giữ lại rừng để bảo vệ môi trường”.
Hướng tới phát triển rừng sinh thái bền vững
“Phát triển rừng bền vững không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm đối với môi trường và thế hệ mai sau. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để Tây Sơn trở thành địa phương đi đầu trong phát triển rừng FSC và rừng gỗ quý, góp phần xây dựng một tương lai xanh và bền vững cho Bình Định”, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn khẳng định.
Với mục tiêu phát triển rừng bền vững, Tây Sơn đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân trong việc chuyển đổi từ mô hình trồng rừng keo đơn thuần sang trồng rừng gỗ lớn và rừng gỗ quý. Những cây bản địa như lát hoa, lim xanh, xà cừ không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra cảnh quan xanh, tăng khả năng chống chịu trước thiên tai.
Cùng với các hộ dân, năm 2023, huyện Tây Sơn đã triển khai trồng mới hơn 1.500 cây gỗ quý lát hoa và chăm sóc nhiều loài cây gỗ lớn, gỗ quý như sao đen, lát hoa, giáng hương, dầu rái... trên các tuyến đường huyện, các khu quy hoạch dân cư, điểm di tích lịch sử, công viên, công trình công cộng. Đây là một bước đi quan trọng trong việc duy trì và phát triển hệ sinh thái rừng gỗ lớn, góp phần bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Bên cạnh đó, Tây Sơn còn hợp tác với các doanh nghiệp và cơ quan chức năng để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm gỗ quý, đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân. Ông Phan Chí Hùng tâm tình: “Để thay đổi nhận thức của người dân về phát triển rừng bền vững cần quá trình lâu dài, đòi hỏi kiên nhẫn, sự đồng hành chặt chẽ của chính quyền và DN. Nhờ phối hợp tốt, Tây Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành mô hình tiêu biểu cho việc phát triển rừng FSC và rừng gỗ quý bản địa tại Bình Định”.
Từ những kết quả đã đạt được, Tây Sơn tiếp tục hướng tới mục tiêu mở rộng diện tích rừng FSC và rừng gỗ quý bản địa trong những năm tới. Huyện đang tiếp tục đồng hành với Công ty TNHH Nông trại xanh và người dân mở rộng diện tích trồng rừng gắn với quản lý bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC cho 1.200 ha rừng của các hộ dân tại các xã còn lại trên địa bàn.
Chứng chỉ FSC do Hội đồng Quản lý Rừng (The Forest Stewardship Council- FSC) - một tổ chức phi lợi nhuận đặt ra. Tiêu chuẩn FSC đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ rừng cho đến khi tới tay người tiêu dùng. Chứng chỉ FSC tập trung vào việc theo dõi các quy trình cụ thể, trong đó các đối tượng như người quản lý rừng, nhà sản xuất và đơn vị chế biến được kiểm tra và xác minh để đảm bảo rằng họ tuân thủ một cách nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của FSC liên quan đến môi trường, xã hội và bảo vệ rừng.
ĐINH THỊ MINH NGỌC