Trăm năm trọn nghiệp hát bội
Dù gặp nhiều khó khăn khi nghệ thuật truyền thống dần bị lấn át bởi các loại hình giải trí hiện đại, nhưng vợ chồng Nghệ nhân ưu tú Minh Lưỡng và Nghệ nhân ưu tú Lệ Hoa, cùng các con vẫn nỗ lực giữ gìn nghệ thuật hát bội, dẫn dắt Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng hoạt động. Đến nay, đoàn hát này đã bước sang tuổi thứ 100.
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Minh Toàn (nghệ danh Minh Lưỡng) và NNƯT Trần Thị Quý (nghệ danh Lệ Hoa) gắn bó với nghệ thuật hát bội từ thuở ấu thơ. NNƯT Minh Lưỡng có mẹ là nghệ sĩ Hồng Lợi - bầu Đoàn nghệ thuật hát bội, bài chòi Hồng Lợi, ngày trước hoạt động cùng thời với những nghệ sĩ hát bội nổi danh ở đất Bình Định, như: Vợ chồng NSƯT Hoàng Chinh và nghệ sĩ Hồng Thu; NSƯT Ngọc Cầm…
Nối nghiệp gia đình
Năm 1924, vợ chồng ông bà Nguyễn Minh Châu (nghệ danh Minh Châu) - Cao Thị Bình (nghệ danh Hồng Lợi) thành lập Đoàn bài chòi dân gian Mỹ An Bang. Tên gọi như thế nhưng Đoàn biểu diễn cả hát bội và bài chòi tùy theo nhu cầu của công chúng. Nổi tiếng khắp tỉnh và dọc dài miền Trung, được một thời gian, sau khi nghệ nhân Minh Châu qua đời, bà Cao Thị Bình cho đổi tên thành Đoàn hát bội, bài chòi Hồng Lợi. Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, trăm năm đã tròn và giờ đây những người sáng lập đã về “miền mây trắng” nhưng đoàn hát vẫn còn; nhịp trống tiếng đàn vẫn reo vang nhờ những người kế tục bền lòng với tổ nghiệp, với tiền bối.
NNƯT Minh Lưỡng tâm sự: “Khi còn nhỏ, tôi được mẹ dẫn theo Đoàn lưu diễn khắp nơi, rồi truyền dạy bài chòi, hát bội. Các nhạc công trong đoàn cũng truyền dạy tôi đánh trống, thổi kèn, đàn nhị. Tôi và vợ nên duyên cũng từ sân khấu hát bội. Khi mẹ mất, để nối nghiệp gia đình, trên cơ sở đoàn Hồng Lợi, chúng tôi thành lập Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng hoạt động cho đến nay”.
Hành trình giữ nghề của vợ chồng NNƯT Minh Lưỡng - NNƯT Lệ Hoa trải qua nhiều gian nan, nhưng họ đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn để giữ gìn cơ nghiệp. NNƯT Lệ Hoa chia sẻ: “Mấy năm trước, có lúc vợ chồng tôi từng nghĩ đến việc giải thể Đoàn, vì nghệ thuật hát bội đã hết thời vàng son; nhiều đoàn hát bội không chuyên khác đã giải thể, nghệ nhân bỏ nghề đi làm việc khác. Nhưng suy đi nghĩ lại, bao nhiêu tâm huyết của mẹ cha để lại, cũng như công sức, của cải vợ chồng bỏ ra gầy dựng… rồi không đành lòng làm cái việc mang tội với mẹ cha, nên ráng gượng dậy. Cũng nhờ ơn tổ nghiệp mà chúng tôi còn ráng được đến giờ”.
Nhẩm đi đếm lại, thời vàng son hát bội ở Bình Định có nhiều đoàn nghệ thuật hát bội không chuyên hoạt động, cho đến nay vơi dần và chỉ còn 7 đoàn duy trì hoạt động, gồm: Nhơn Hưng, An Nhơn 2, Ngô Mây, Phước An, Sông Kôn, Trần Quang Diệu, Hoài Nhơn. Có đếm rành mạch như thế mới thấm thía công phu của đôi vợ chồng nghệ sĩ này.
NNƯT Minh Lưỡng bộc bạch: “Cái khó nhất của hát bội bây giờ là tìm lớp trẻ theo nghề, bởi vậy các bầu đoàn có tâm huyết mấy cũng đành “bó tay”. May mắn thay, vợ chồng tôi có hai con gái là Kiều My và Diễm Thi còn trẻ tuổi nhưng mê nghề theo nối nghiệp. Đó là điều hạnh phúc nhất khi hai con biết trân quý giá trị “cái nôi” nghệ thuật truyền thống của gia đình”.
Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng lưu diễn phục vụ công chúng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Góp sức giữ gìn di sản quê hương
Trong năm nay, Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng đã đạt giải nhất tại Liên hoan tuồng (hát bội) không chuyên tỉnh Bình Định năm 2024 do Sở VH&TT tổ chức đầu tháng 8. Cuối tháng 9, Đoàn tiếp tục được nhận Giải thưởng Đào Tấn do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức. Trước đó, năm 2022, Đoàn nghệ thuật hát bội Nhơn Hưng cũng được Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tặng bằng khen đoàn hát bội không chuyên 100 năm tuổi nghề đã có thành tích xuất sắc trong gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống.
NNƯT Minh Lưỡng cho biết: “Trong năm nay, nhà tôi đón rất nhiều đoàn báo đài, đoàn nghiên cứu về trò chuyện; trong đó, có Viện Âm nhạc (Bộ VH-TT&DL) đến tìm hiểu, ghi âm, ghi hình các làn điệu âm nhạc trong nghệ thuật hát bội và các trích đoạn tiêu biểu của hát bội Bình Định, như: Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Kỷ Lan Anh lạc đẻ, Kim Lân qua đèo, Đào Phi Phụng kết râu…, góp phần quảng bá di sản văn hóa quê hương, cũng như nghề truyền thống của gia đình”.
Không chỉ giữ nghề hát bội, gia đình NNƯT Minh Lưỡng - NNƯT Lệ Hoa còn nỗ lực giữ gìn di sản bài chòi dân gian; nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, văn nghệ do địa phương, tỉnh tổ chức. Năm 2017, CLB Bài chòi dân gian TX An Nhơn thành lập và hoạt động, NNƯT Minh Lưỡng - NNƯT Lệ Hoa giữ vai trò là Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm CLB, dẫn dắt 20 thành viên CLB tham gia hoạt động thường xuyên, biểu diễn trong những dịp lễ, tết, hội thi, hội diễn do thị xã và tỉnh tổ chức. Đồng hành cùng CLB bài chòi TX An Nhơn hoạt động còn có hai cô con gái Kiều My - Diễm Thi đóng vai trò hiệu chính.
Nghệ nhân Kiều My tâm tình: “Chị em tôi thấy tự hào khi được theo cha mẹ nối nghiệp gia đình. Hạnh phúc hơn khi ngoài sự hướng dẫn của cha mẹ, tôi còn được các nghệ nhân giỏi nghề, như: Thanh Tịnh, Hoàng Việt…, tận tình chỉ dạy thêm những ngón diễn hát bội, bài chòi để nâng cao trình độ nghề, tiếp thêm động lực trên hành trình gìn giữ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật truyền thống”.
NNƯT Lệ Hoa góp chuyện: “Tôi đã tìm được 5 cháu có độ tuổi từ 20 - 30 tuổi thích hát bội, bài chòi để truyền nghề. Năm tới, vợ chồng tôi sẽ tổ chức lớp dạy hát bội, bài chòi cho các cháu tại nhà. Tôi cũng rất mong chính quyền địa phương và thị xã quan tâm để chúng tôi được vào trường học quảng bá hát bội, bài chòi cho các cháu học sinh biết, nếu cháu nào thực sự đam mê, chúng tôi sẽ dạy miễn phí để gầy dựng lớp trẻ kế thừa”.
***
Bằng sự nỗ lực và trách nhiệm, lòng say mê nghề nghiệp của mình, gia đình NNƯT Minh Lưỡng - NNƯT Lệ Hoa cũng như đội ngũ nghệ nhân dân gian trong tỉnh đã và đang tiếp tục đóng góp tài năng, công sức vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, nghệ thuật của tỉnh nhà; giữ gìn, truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể đang nắm giữ cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN