Cùng mê câu thai, điệu hô bài chòi
Từ tình cảm lứa đôi và tình yêu với bài chòi, nhiều đôi vợ chồng đã động viên nhau theo đuổi đam mê. Nhờ đó, gia đình có thêm nhiều niềm vui, gắn kết khi cùng sở thích.
Nhắc đến các đôi vợ chồng đều là nghệ nhân bài chòi hẳn nhiều người đã biết đến gia đình của Nghệ nhân ưu tú Trần Hữu Phước (ở xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn) hay gia đình của Nghệ nhân ưu tú Minh Lưỡng (tên thật là Nguyễn Minh Toàn, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn). Tuy nhiên trên “cái nôi” của bài chòi - Bình Định vẫn còn rất nhiều gia đình cùng sát cánh gìn giữ, phát triển loại hình nghệ thuật này.
Động viên, ủng hộ nhau
Nên duyên vợ chồng vào năm 1999, Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Phương Nga (SN 1972) được chồng là Nguyễn Đình Đa (SN 1971, cùng ở phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) động viên theo đuổi, trau dồi loại hình nghệ thuật dân ca - bài chòi. Sau thời gian luyện tập và hoạt động nghệ thuật, chị Phương Nga tiếp tục truyền dạy bài chòi cho nhiều người mộ điệu khác, trong đó có chồng chị.
Vợ chồng chị Phạm Thị Phương Nga và anh Nguyễn Đình Đa cùng biểu diễn hô bài chòi dân gian. Ảnh: NVCC
Theo chị Phương Nga, sinh ra và lớn lên tại xã Phước Quang (huyện Tuy Phước), những câu bài chòi từ loa truyền thanh của địa phương đã nuôi dưỡng tâm hồn chị và ngấm vào máu thịt. Biết được sở thích của vợ, anh Đa tạo điều kiện và động viên chị mạnh dạn theo đuổi loại hình nghệ thuật này.
Tương tự gia đình chị Nga, chị Huỳnh Thị Điệp (SN 1972, ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) cũng đến với bài chòi nhờ người bạn đời của mình. Theo chị Điệp, năm 2016, huyện Tuy Phước tổ chức phục dựng bài chòi dân gian và tập huấn cho nhiều người mộ điệu ở các địa phương. Lúc đó, chồng chị là anh Trần Đình Dư (SN 1973) đại diện xã Phước Nghĩa tham gia. Sau gần 1 năm “đưa” chồng tham gia các lớp tập huấn và hô hát, chị cũng dần yêu thích loại hình này.
Vợ chồng chị Huỳnh Thị Điệp và anh Trần Đình Dư đều cùng nhau có mặt ở nhiều sự kiện hô hát bài chòi. Ảnh: NVCC
“Ban đầu biết chồng yêu thích và có năng khiếu với loại hình nghệ thuật này nên tôi ủng hộ chồng. Sau đó, chồng lại là người động viên, “rủ rê” tôi tham gia để thêm niềm vui trong cuộc sống. Sau thời gian đồng hành, tôi nhận thấy bài chòi dân gian có nét mộc mạc, đơn sơ nhưng lại dí dỏm chứa đựng tính giáo dục, răn dạy rất cao nên tôi càng thêm yêu loại hình nghệ thuật này”, chị Điệp tâm sự.
Cùng nhau bảo tồn và lan tỏa
Có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất giữa “cô - trò” chị Nga với anh Đa là sau thời gian truyền dạy và tập luyện năm 2013, vợ chồng chị tham gia Liên hoan hát ru và hát dân ca TX An Nhơn và cùng đạt 2 giải A cá nhân và giải A hát ru đôi nam nữ. Sau này, chị Nga hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật dân ca bài chòi ngày càng nhiều hơn, anh Đa trở thành Chủ nhiệm CLB Dân ca, bài chòi phường Nhơn Hòa. Anh chị cùng nhau gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương.
“Chúng tôi yêu thích bài chòi và mong loại hình nghệ thuật này ngày càng được nhiều người biết đến. Trong khả năng của mình, chúng tôi muốn xây dựng thật tốt CLB và sưu tầm, tìm kiếm những câu thai hay, phù hợp với thời đại để đảm bảo sự lôi cuốn và tính hấp dẫn”, chị Nga bày tỏ.
Còn đối với vợ chồng chị Điệp, nhờ công việc tự do dễ dàng sắp xếp thời gian nên anh chị tham gia hô hát bài chòi ở nhiều chương trình nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, anh chị còn thường xuyên hô hát bài chòi phục vụ du khách tại nhà hàng Ẩm thực Việt (phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn).
“Tại các buổi biểu diễn, nhiều du khách tỏ ra rất thích thú, đề nghị chúng tôi giải thích ý nghĩa câu thai và hướng dẫn họ hô hát bài chòi, trong đó có cả những người nước ngoài. Chúng tôi rất vui và tự hào vì góp phần giới thiệu bản sắc văn hóa quê hương thông qua những câu thai và loại hình nghệ thuật truyền thống”, chị Điệp cho hay.
Và cũng từ “cái nghệ bài chòi”, vợ chồng các nghệ nhân có thêm chủ đề để thảo luận, trò chuyện hằng ngày. Theo anh Dư, mỗi người sẽ có những câu thai mình yêu thích riêng, nhưng trước khi tham gia biểu diễn tại chương trình nào đó, theo chủ đề, anh chị sẽ thảo luận để biểu diễn ăn ý, phục vụ bà con xa gần tốt hơn. Đó cũng là niềm vui đơn sơ, bình dị hằng ngày của vợ chồng anh chị.
Cùng với đó, con gái của chị Điệp và anh Dư là Trần Thị Như Long (13 tuổi) cũng bắt đầu tập tành đến với bài chòi. Vừa qua, em Long đã tham gia Liên hoan Hội đánh bài chòi dân gian huyện Tuy Phước lần thứ VIII năm 2024 và đạt giải Diễn viên triển vọng; em cũng là hiệu nhí đại diện huyện Tuy Phước tham gia tập huấn cấp tỉnh.
“Tôi thường đưa bé theo các buổi hô hát bài chòi. Xem bố mẹ diễn, con ở phía khán giả hô theo và rồi cũng biết chuyển làn điệu. Có lần, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú (huyện Tuy Phước) nghe bé hô hát bài chòi và thấy có triển vọng nên bác ấy bồi dưỡng thêm. Tôi mong qua đây, bé Long sẽ góp phần lan tỏa nghệ thuật bài chòi với các bạn trẻ”, chị Điệp vui vẻ chia sẻ.
THẢO KHUY