Kỷ niệm 70 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 2024):
Hải Phòng - Mãi một niềm thương nhớ!
“… Hải Phòng đâu phải quê hương/ Mà sao ta nhớ, ta thương Hải Phòng…”. Đó là một câu ca trong ca khúc “Hải Phòng tuổi thơ tôi” của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tám, người quê Quảng Ngãi, nguyên là học sinh miền Nam trên đất Bắc... Khi chúng tôi cầm bản nhạc này, dù không biết nhạc, nhưng chỉ cần đọc lên những ca từ chắt lọc, chúng tôi - cũng là những học sinh miền Nam - lòng đã rộn lên, xốn xang nhớ về biết bao kỷ niệm yêu thương của một thời thơ bé…
Và những cuốn phim cuộc đời những năm tháng gắn bó với Hải Phòng như hiển hiện ngay trước mắt, như cầm nắm, như chạm được sự tươi xanh và vô cùng ấm áp. Những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên, những sông Cấm, sông Lấp, những Ngã Năm, Ngã Sáu thân thuộc với chúng tôi biết nhường nào. Bài hát ấy, chỉ cần học qua một vài lần là chúng tôi đã thuộc làu. Vì vậy, khi có dịp gặp nhau (và cả khi dù chỉ có một mình), nhớ Hải Phòng là chúng tôi lại cất lên tiếng ca “Bên thầy cô tôi đã nên người” và “bạn bè tôi chung sống êm đềm, những cánh chim về miền xa vẫn nhớ về Hải Phòng tổ ấm thương yêu”.
Nghĩa tình sâu nặng
Lời bài hát bình dị nhưng vô cùng sâu lắng, tác giả đã nói lên lòng mình và nói hộ cho tất cả học sinh miền Nam (HSMN) chúng tôi. Nhớ về thuở ấy, chúng tôi - những bé trai bé gái có cùng một tên chung là Học sinh miền Nam trên đất Bắc. Tên này được Đảng và Bác Hồ đặt cho, và gọi chúng tôi là Những hạt giống Đỏ của miền Nam được đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng từ năm 1954 - 1955 cho đến khi trưởng thành.
Học sinh nữ Trường Học sinh miền Nam số 6, Hải Phòng.
Đội ngũ hàng chục ngàn HSMN đó chính là những con của các liệt sĩ, con cán bộ cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã hy sinh hoặc đang ở lại tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đấu tranh thống nhất nước nhà. Những cô bé, cậu bé năm, bảy tuổi bé hạt tiêu, đến mươi, mười lăm tuổi, tất cả đều xa cha mẹ, được Đảng, Bác Hồ đưa ra miền Bắc học tập, để mai sau trở về miền Nam xây dựng quê hương. Tất cả HSMN được sống trong các trường nội trú ở nhiều tỉnh, thành trên miền Bắc như Thanh Hóa, Hà Đông, Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phú… và đặc biệt đông nhất là ở Hải Phòng.
Những năm ấy, miền Bắc nói chung và Hải Phòng nói riêng, người dân vô cùng thiếu thốn, gian khổ. Nhân dân vừa phải lo ổn định cuộc sống trong những ngày hòa bình đầu tiên sau bao năm tháng chiến tranh do thực dân Pháp gây ra; lại còn phải thắt lưng buộc bụng để nuôi nấng, chăm sóc hàng chục ngàn con em miền Nam. Riêng Hải Phòng đã nuôi dưỡng hơn hai phần ba số HSMN ấy.
Lúc bấy giờ, bác Đỗ Mười là Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố (sau này là Tổng Bí thư) rất quan tâm đến các trường nội trú HSMN và tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất có thể cho các cháu. Vì vậy, nhiều trường của chúng tôi được ưu tiên nằm ngay trong trung tâm thành phố. Học sinh thuộc các trường số 4, 6, 11, 13, 18 được sống và học tập trong những biệt thự, các khu nhà của người Pháp đồn trú trước đó; cả trong tu viện Thiên chúa giáo đã di cư vào Nam. Trường số 14 và 24 đóng ở khu lầu Mác-ty - tư dinh của viên quan Pháp có tiếng. Chỉ có hai trường ở ven đô là trường số 19 và trường số 21 của học sinh nam là nằm ở gần Cầu Rào. Chúng tôi được ở nơi tốt nhất, được ăn no, mặc ấm, được yên tâm học hành để yên lòng những chiến sĩ cách mạng còn chiến đấu trong lửa đạn của quân thù.
Kỷ niệm đặc biệt với Bác Hồ
Các trường HSMN chúng tôi còn luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm đưa các đoàn đại biểu Trung ương và nước ngoài đến thăm. Chúng tôi thường được đón một số nhà khoa học từ nước ngoài tới thăm, nói chuyện về khoa học; được đón các đoàn như Đoàn đại biểu Phụ nữ Dân chủ thế giới, Đoàn đại biểu Đại sứ quán Liên Xô, Đoàn bóng đá Triều Tiên, Đoàn nghệ thuật Nhật Bản... Chúng tôi còn được cùng đồng bào thành phố đi đón và chào mừng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Ghec-man Ti-Tốp; được tham gia đồng diễn thể dục, quần vũ chào mừng các ngày lễ lớn tại sân Lạch Tray…
Bác Hồ về thăm và nói chuyện với các cháu Học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Ảnh tư liệu
Những cuộc đón tiếp và sinh hoạt văn hóa văn nghệ phong phú đó luôn tạo không khí dâng trào niềm vui, tự hào, khích lệ tinh thần phấn đấu học tập của chúng tôi rất nhiều.
Đặc biệt, tháng 1.1963, ngày mà chúng tôi nhớ suốt đời là được vinh dự đón Bác Hồ về thăm các trường HSMN. Bác quan tâm đi thăm nhà bếp, nhà vệ sinh, lớp học của các cháu trước khi chính thức thăm hỏi thầy, trò HSMN. Thấy bóng Bác, chúng tôi rào rào đứng dậy hò reo, vui mừng đến chảy nước mắt. Bác giơ tay vẫy nhẹ cho ngồi xuống, rồi hỏi:
- Các cháu học sinh miền Nam ăn có no không?
- Dạ, thưa Bác, có ạ!
- Các cháu có ngoan không?
- Dạ, thưa Bác, có ạ !
Bác trìu mến ôm hôn và căn dặn chúng tôi cố gắng học giỏi, xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng là hạt giống đỏ của miền Nam trên đất Bắc. Người còn đặc biệt căn dặn, nhắc nhở các thầy, cô chăm lo cho các cháu HSMN nhiều hơn, vì các cháu thiếu tình thương yêu của cha mẹ; các thầy, cô thay cha mẹ chăm nuôi các cháu, để các cháu học hành tiến bộ, mai sau về xây dựng quê hương miền Nam….
Ký ức tuổi thơ trên đất cảng
Dù bận rộn với bao nỗi lo toan bộn bề nhưng nhân dân Hải Phòng vẫn luôn ân cần chăm lo cho HSMN, để các cháu được sống êm đềm cả trong từng giấc ngủ. Ai mà không cảm động khi nghe bài thơ “Chú đi tuần” của tác giả Trần Ngọc in trong sách giáo khoa ngày ấy:
“… Hải Phòng yên giấc ngủ say
Cây rung theo gió lá bay xuống đường.
Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến,
Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến
Các cháu ơi, giấc ngủ có ngon không?
Cửa đóng che kín gió,
Ấm áp dưới mền bông,
Các cháu cứ yên tâm ngủ nhé !…”
Năm tháng qua đi, mỗi lần nhắc đến Hải Phòng là như chạm đến tuổi thơ, chạm vào nỗi niềm sâu thẳm của mỗi HSMN. Vì Hải Phòng là hiện thân của tình cảm người cha, người mẹ, là những gì thiêng liêng nhất của tuổi thơ, mà từ đó chắp cho chúng tôi đôi cánh ước mơ để bay đến những chân trời cao đẹp…
Nữ HSMN trường số 6 về thăm lại trường xưa tại Hải Phòng, trước biểu tượng hạt giống đỏ, đặt tại vườn hoa trung tâm Hải Phòng.
Trong các dịp kỷ niệm 50 năm, 55 năm, 60 năm, 65 năm trường HSMN trên đất Bắc, khi đã nghỉ hưu và cả lúc đang còn công tác, nếu có dịp là chúng tôi đều về thăm lại Hải Phòng. Về để cùng nhau lặng lẽ ngồi bên dòng sông Lấp (nay là hồ Tam Bạc) êm đềm lắng nghe tiếng ríu ran của bầy chim non đâu đó bên hàng cây xanh và tìm lại bóng hình những ánh mắt thơ ngây từng soi trong dòng nước biếc… Chúng tôi cũng về khu công viên “Nhà kèn”, trung tâm thành phố để ngắm nhìn một biểu tượng Hạt Giống Đỏ nằm trên bệ cao, được đôi bàn tay chở che bảo bọc, để nhắc nhở trái tim mình mãi mãi tri ân Đảng, Bác Hồ và đồng bào miền Bắc, đồng bào Hải Phòng đã nuôi dưỡng, bảo bọc HSMN qua biết bao tháng năm gian khó…
Ơ này! Có những bé gái quàng khăn đỏ tung tăng ca múa ở Nhà kèn thành phố. Có bước chân bé nhỏ của chúng tôi trên những con đường của Ngã Sáu hàng đêm đi xem phim tại bãi chiếu phim Lạc Viên; có bước chân trần của lũ con gái với hai bím tóc đung đưa vui đùa trên bãi cát tìm những vỏ hến lấp lánh làm nồi nấu cơm, chơi bán hàng…; rồi những đêm đông, phút giải lao giữa giờ tự học được chạy ra, luồn bàn tay bé nhỏ qua cánh cổng trường mua mấy hào hạt dẻ tí tách bên nhau cũng thấy ấm lòng…
Ơ này! Những cánh phượng đỏ tươi dọc các con phố - cái màu hoa rực rỡ đặc trưng của Hải Phòng đã thắm trong màu má bạn tôi, thắm đẫm trong tâm hồn non trẻ một sắc đỏ nồng nàn tình yêu quê hương đất nước của tuổi học trò thơ bé...
Còn lũ con trai các trường số 19, 21 thì sẵn có đầu óc thám tử thường thích khám phá khắp nơi. Nào Cầu Rào, Chợ Sắt; nào phố Cầu Đất, Cát Dài, Cát Cụt; nào Quán Hoa, Nhà Bảo tàng, Nhà Triển lãm…Chắc chẳng thiếu một con đường, ngõ phố nào của Hải Phòng không có dấu chân những cậu thiếu niên phong phanh áo mỏng, luôn luôn hiếu động, thông minh và cũng rất nghịch ngợm mang tên là HSMN ấy…
Và có lẽ cũng không thiếu những lần các bé con HSMN đã làm phiền lòng những người mẹ Hải Phòng vì mấy trò nghịch ngợm thiếu suy nghĩ. Nhưng Hải Phòng vẫn yêu thương ôm chúng tôi vào lòng, thay cha, thay mẹ dày công dạy dỗ, nuôi dưỡng chúng tôi trưởng thành nên những con ngoan trò giỏi, tràn đầy ước mơ khát vọng của tuổi trẻ..
Dẫu cách xa lòng vẫn xuyến xao…
Chao ôi, đã bao lần về thăm lại Hải Phòng! Dẫu cảnh và người hôm nay so với ngày ấy đã đổi thay một trời, một vực, nhưng chúng tôi vẫn tìm đến được tận những nơi mình từng sống mà lòng ngập tràn niềm thương mến, xúc động. Nhà thơ Chế Lan Viên viết “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Nhưng có lẽ đối với HSMN chúng tôi, còn hơn thế. Đất Hải Phòng đã hóa tâm hồn từ ngày chúng tôi đặt bước chân tuổi thơ của mình ở nơi ấy. Hải Phòng chính là nơi đã nuôi lớn những ước mơ, khát vọng tuổi trẻ của chúng tôi. Và vì vậy, dù Hải Phòng không phải quê hương, mà chúng tôi vẫn mãi đau đáu trong tâm trí nỗi nhớ niềm thương Hải Phòng.
Tác giả Bùi Thị Xuân Mai về Hải Phòng thăm lại khu trường xưa (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên của TP Hải Phòng).
Những hạt giống Đỏ của miền Nam trên đất Bắc đã trưởng thành, những cánh chim HSMN đã trở về quê mẹ, tung bay khắp bốn phương trời, nhưng luôn ghi lòng, tạc dạ đáp đền ân nghĩa sâu nặng của Hải Phòng nói riêng và nhân dân miền Bắc nói chung, nguyện phấn đấu cống hiến hết mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững mạnh, đẹp giàu như mong đợi của Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc.
Chính vì vậy, có biết bao anh hùng, chiến sĩ là HSMN đã quên mình, xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đã có hàng vạn trí thức, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhạc sĩ…là HSMN dấn thân cống hiến tuổi thanh xuân và cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng cường thịnh …
Nhớ biết bao Hải Phòng xưa, trong tâm trí chúng tôi luôn hiện hữu về mái trường yêu dấu của mình dẫu qua thời gian có biết bao thay đổi.
Này nhé, nơi Kho chè Lạch Tray hiện giờ, trước là Trại nhi đồng miền Nam; Trung tâm Giáo dục thường xuyên hiện nay, trước kia là Trường số 6 trong tu viện Thiên chúa; trụ sở UBND quận Ngô Quyền trước là Trường số 11; Trường ĐH Hải Phòng, trước là Trường số 11 Kiến An; Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng trước là Trường số 13; Trường số 14 xưa, nay là khu dân cư phường Lam Sơn; Trường số 18 xưa, giờ là Văn phòng đại diện Cục Hàng hải Việt Nam; khu Trường số 19 và Trường số 21 giờ là ĐH Hàng hải Việt Nam…
Hân hoan đất cảng vươn mình
Và chúng tôi càng vui mừng hơn nữa với những bước đi lên ngày càng rạng rỡ của thành phố Cảng thân yêu. Cầu Rào xưa vừa được xây mới như cánh chim biển thật hoành tráng; cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm lung linh, rạng rỡ ngày đêm… Một dải trung tâm sông Tam Bạc êm đềm, hiền hòa in bóng những dãy nhà, những biệt thự lấp lánh sắc màu ta ngỡ như lạc vào một đô thị châu Âu. Và còn có bao con đường giữa trung tâm thành phố rộng thênh thang với 6 - 8 làn xe. Bến Sáu Kho giờ là hàng trăm kho; Cảng biển quốc tế Hải Phòng ngờm ngợp chen kín những container, và đủ khả năng tiếp nhận những tàu có trọng tải lớn trên thế giới…
Hoa phượng đầu hè năm 2024 bên hồ Tam Bạc TP Hải Phòng.
Trong những năm của hai thập niên đầu thế kỷ XXI này, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ, thành phố Hải Phòng đã đạt được những thành tựu nổi bật, toàn diện, có tính đột phá, toàn diện trên mọi lĩnh vực, đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mới.
Trước thời cơ mới, vận hội mới, vào nhiệm kỳ 2020-2025, trong Nghị quyết của Đảng bộ thành phố khẳng định “Hải Phòng hoàn toàn có thể phát triển bứt phá vươn lên với mục tiêu xác định đến năm 2025 hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước, là trung tâm du lịch quốc tế”…
Tàu chở khách du lịch quốc tế cập bến Hải Phòng.
Ngày xưa, trong bao nỗi lo toan bề bộn, Hải Phòng vẫn luôn cưu mang, chở che đùm bọc HSMN chúng tôi. Ăn hạt gạo thảo thơm của người dân Hải Phòng tần tảo một nắng hai sương và uống con nước trong mát của Hải Phòng… tất cả đã thấm vào cơ thể thành máu thịt của chúng tôi. Năm tháng qua đi nhưng Hải Phòng vẫn luôn một tình yêu nồng nàn trong tuổi thơ của mỗi HSMN chúng tôi. Tình yêu của chúng tôi đối với Hải Phòng không những không phai mờ mà ngày càng thêm sâu đậm, thiêng liêng.
Hải Phòng ngày ấy đã xa
Cầm tay bạn - thấy như ta vẫn gần
Dù ở phương trời nào, những HSMN chúng tôi từng sống trên đất Hải Phòng vẫn luôn hướng lòng mình về Hải Phòng thương yêu, như chúng tôi đã từng hướng về bấy lâu nay. Theo dõi những con số biết nói về những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của Hải Phòng đã làm nức lòng người dân sở tại. Đối với HSMN chúng tôi đó cũng chính là những niềm vui, niềm tự hào luôn dào dạt trong lòng.
Bên dòng Tam Bạc, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.
Với chúng tôi, Hải Phòng đâu phải quê hương, mà sao vẫn mãi nhớ thương Hải Phòng! Bởi Hải Phòng là tuổi thơ của chúng tôi - một tuổi thơ thấm đẫm thương yêu và đong đầy những kỷ niệm của một thời để nhớ. Và chúng tôi cũng như người dân Hải Phòng - cũng yêu Hải Phòng “như yêu chính người yêu thương nhất” - với niềm tin tưởng vững chắc một Hải Phòng mãi tráng niên sẽ nhanh chóng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 như niềm mong của mọi người dân cả nước….
BÙI THỊ XUÂN MAI (Cựu học sinh miền Nam tại Hải Phòng)