Một báo cáo sai sự thật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam
Vừa qua, Báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) tiếp tục đưa ra nhiều nhận định sai lệch, cáo buộc sai sự thật về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam cũng như phủ nhận nỗ lực hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới trên lĩnh vực này. Việc đưa ra những đánh giá, kết luận chỉ dựa trên những báo cáo của một số tổ chức, cá nhân mà thiếu sự kiểm chứng rõ ràng là thiếu tính khách quan, tính chính xác, tính toàn diện, thể hiện sự tùy tiện trong nhận định và đánh giá.
Ngày 27.9, USCIRF đã công bố báo cáo Tôn giáo do Nhà nước kiểm soát và Tự do tôn giáo ở Việt Nam, dài 33 trang, chứa nhiều nội dung sai sự thật mà nổi lên là cáo buộc Việt Nam sử dụng các tổ chức tôn giáo được Nhà nước hậu thuẫn để đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập. Cụ thể, USCIRF đưa ra cáo buộc không đúng sự thật rằng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Công an đã sử dụng “chiến thuật thay thế, kết nạp, thâm nhập các tổ chức tôn giáo được Nhà nước hậu thuẫn để giám sát, đe dọa và xóa sổ các tổ chức tôn giáo khác”.
Quang cảnh sinh hoạt tôn giáo của đồng bào người Mông theo đạo Tin lành tại Cao Bằng (Nguồn: TTXVN)
Nhận định thiếu khách quan này đã phớt lờ một thực tế không thể phủ nhận đó là pháp luật Việt Nam hiện hành luôn khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Trên cơ sở này, tất cả cơ quan, tổ chức nằm trong hệ thống chính trị Việt Nam bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Công an đều xác định việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân là nhiệm vụ quan trọng, cho nên rất chú trọng triển khai trong thực tiễn.
Hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật Việt Nam, dựa trên tinh thần tôn trọng, không xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo song song với khuyến khích phát huy những giá trị phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của công dân. Do đó, việc những người soạn thảo báo cáo của USCIRF quy kết việc các cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam “sử dụng các tổ chức tôn giáo này để “chống” các tổ chức tôn giáo khác” là một sự bôi nhọ, phản ánh lệch lạc thực tiễn tại Việt Nam.
Điều đáng nói là trong khi chỉ trích các hoạt động phù hợp với quy định của luật pháp thì đồng thời USCIRF lại ra sức cổ xúy cho các hội, nhóm đội lốt tôn giáo, hoạt động trái pháp luật, xâm hại an ninh, quốc phòng của Việt Nam bằng cách gọi thành phần này là các “tổ chức tôn giáo độc lập”, “tổ chức tôn giáo gốc”. Thậm chí, Ủy ban này còn lên tiếng bảo vệ cho cả các cá nhân, tổ chức tội phạm, khủng bố như “Người Thượng vì công lý” (MSFJ), “Hỗ trợ người Thượng” (MSGI) dù các hoạt động vi phạm pháp luật của những tổ chức này đã bị các cơ quan chức năng Việt Nam làm rõ với những nhân chứng, bằng chứng rõ ràng, thuyết phục.
Báo cáo của USCIRF đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của một số cơ quan chức năng, tổ chức tôn giáo chính thống ở Việt Nam trong khi lẽ ra cần phải cực lực phê phán, lên án những hành vi phá vỡ khối đoàn kết tôn giáo, dân tộc ở Việt Nam. Từ góc nhìn thiếu khách quan, không chính xác đó, nhóm soạn thảo báo cáo đã tạo ra một bức tranh méo mó, xuyên tạc về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Việt Nam, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đáng chú ý, trong năm 2024, USCIRF đã nhiều lần công bố báo cáo và phát ngôn phiến diện, sai lệch mang tính định kiến và thiếu khách quan về tình hình tôn giáo của Việt Nam mà điển hình như “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024”.
Tuy có một số khác biệt về tên gọi, hình thức, nhưng nội dung của những bản báo cáo này đều hết sức phiến diện, sai sự thật, dựa trên những nguồn cung cấp thông tin thiếu kiểm chứng, không chính xác, thiếu thiện chí, vì vậy đã gây bức xúc dư luận, tạo cớ cho các hội, nhóm chống phá trong nước và ngoài nước lợi dụng vỏ bọc tôn giáo, tín ngưỡng hòng gây rối loạn, phá vỡ khối đại đoàn kết tôn giáo, dân tộc, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Trong bối cảnh thành tựu về bảo đảm và bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam được nhân dân cả nước ghi nhận, đồng tình, ủng hộ, nhiều bạn bè, đối tác quốc tế đánh giá cao thì những báo cáo tiêu cực của USCIRF và một vài tổ chức cực đoan, thiếu thiện chí đang gây ảnh hưởng xấu đến nỗ lực hợp tác giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên lĩnh vực này.
Thực tiễn cho thấy, kể từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đi vào đời sống, số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự và công dân theo tôn giáo tăng theo thời gian, ở tất cả các tôn giáo. Hiện nay, Việt Nam có hơn 27 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; hơn 54.000 chức sắc; hơn 144.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Từ năm 2021 đến năm 2023, tính riêng đạo Tin Lành, Nhà nước đã chấp thuận thêm 170 điểm nhóm, 6 tổ chức tôn giáo trực thuộc ở khu vực miền núi phía bắc; chấp thuận thêm 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc từ các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trước đó ở 5 tỉnh Tây Nguyên.
Điều mà USCIRF cho rằng “tình trạng cấm đạo Tin lành” nói riêng và các tôn giáo khác nói chung ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hoàn toàn không có thật mà chỉ là những thông tin bịa đặt, một chiều do các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí hoặc chống cộng lưu vong tung ra nhằm để khiến cộng đồng quốc tế có cái nhìn sai lệch về chính sách tôn giáo của Việt Nam.
Đáng chú ý là những năm qua, với sự nỗ lực quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo từng bước đi vào đồng bộ, thống nhất, bao trùm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tự do thể hiện đức tin. Mới nhất, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã có những quy định bổ sung được nhận định là phù hợp với lợi ích chính đáng hiện nay của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, định nghĩa đất tôn giáo tại Điều 213 Luật Đất đai 2024 được khái quát bao gồm đất xây dựng cơ sở tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và công trình tôn giáo hợp pháp khác. Việc cấp đất tôn giáo sẽ căn cứ từ nhu cầu thực tế về hoạt động tôn giáo và khả năng quỹ đất của địa phương để quy định hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, giảm bớt các thủ tục hành chính giúp các tổ chức tôn giáo thuận tiện hơn trong việc đăng ký đất tôn giáo. Ngoài ra, theo điểm e, khoản 1, Điều 218 Luật Đất đai 2024, đất tôn giáo được sử dụng kết hợp đa mục đích, điều này giúp các cơ sở tôn giáo có thể sử dụng đất phục vụ nhiều hoạt động vì xã hội như dạy nghề, khám chữa bệnh, nhân đạo, từ thiện,... mà không gặp phải vướng mắc như các quy định trước đây.
Không chỉ vậy, các cơ quan trong hệ thống chính trị Việt Nam mà đại diện là Mặt trận Tổ quốc đã tích cực tham mưu, đề ra nhiều giải pháp để khuyến khích các tổ chức tôn giáo tham gia vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vừa qua, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X đã thông qua đề án nhân sự và Hiệp thương cử Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029. Để phát huy tinh thần bình đẳng giữa các tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cơ cấu đủ 16 tôn giáo và các tổ chức tôn giáo có nhiều tín đồ đã được Nhà nước công nhận.
(Theo NDO)