Vĩnh Lợi khát vọng mạnh giàu từ biển
Gắn bó với biển cả từ bao đời nay, đội tàu công suất lớn của ngư dân làng chài Vĩnh Lợi hoạt động trên khắp các ngư trường cả nước. Biển cả không phụ lòng người, đem lại cho ngư dân những mùa bội thu, nhờ đó làng quê nơi đây ngày càng khang trang, trù phú hơn. Chính sách phát triển kinh tế biển của Đảng - Nhà nước tạo tiền đề để hình ảnh đô thị biển ngày càng rõ ràng hơn trên mảnh đất vốn đầy nắng và gió này.
Làng chài Vĩnh Lợi - gồm các thôn Vĩnh Lợi 1, Vĩnh Lợi 2, Vĩnh Lợi 3, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ - đã có hàng trăm năm tuổi, đến nay vẫn duy trì nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc biệt là nét tín ngưỡng dân gian lễ hội cầu ngư. Vĩnh Lợi có hai lăng Ông Nam Hải đang được tỉnh xét để công nhận di tích cấp tỉnh, gồm: Lăng Nam Hải thánh điện (tục danh là Lăng Ông đại) và Lăng Hải thánh đường (tục danh là lăng Từ đường). Theo lệ, mỗi năm ngư dân tổ chức hai lần lễ hội Cầu ngư vào mùng 10 tháng Giêng và mùng 10 tháng Tư âm lịch, ở đó ngư dân cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, xóm làng được bình an, mạnh khỏe, cả năm tôm cá đầy thuyền. Hình ảnh đô thị biển ngày càng rõ ràng hơn trong khi đặc trưng văn hóa tổ tiên để lại vẫn được gìn giữ chu đáo là điều khiến ngư dân Vĩnh Lợi hết sức tự hào.
Làng biển Vĩnh Lợi phát triển nhờ nghề đánh bắt thủy sản xa bờ, ngư dân đầu tư thiết bị hiện đại vươn khơi bám biển. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ngư dân chịu học, chịu chi
Làng chài Vĩnh Lợi có 1.350 hộ với 5.765 nhân khẩu, kinh tế chính là nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, là một trong những địa phương có đội tàu khai thác xa bờ lớn nhất tỉnh với gần 200 tàu hành nghề lưới vây ánh sáng và hơn 60 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Năm 2023, sản lượng đánh bắt của làng đạt hơn 27.000 tấn, tạo thu nhập ổn định, đời sống người dân được nâng lên. Đến nay, làng có cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi; thu nhập bình quân đạt gần 61 triệu đồng/người/năm, đời sống người dân yên vui, thịnh vượng.
Đội tàu của Vĩnh Lợi hoạt động gần như quanh năm. Đặc biệt, nhiều năm qua ngư dân Vĩnh Lợi luôn thuộc nhóm chấp hành tốt pháp luật, thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Liên minh châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định... Sự gắn bó với biển được chính sách hỗ trợ của Nhà nước tiếp thêm động lực, nhờ đó ngư dân Vĩnh Lợi vươn khơi, đoàn kết, giúp đỡ nhau bảo vệ ngư trường, vùng biển của Tổ quốc.
Nói về sự ăn nên làm ra, không thể không nói đến đội tàu của gia đình các ông: Hai Dũng, Hậu Thìn, Hùng Dê, Mỹ, Tuấn Hổ... mỗi gia đình sở hữu từ 3 - 4 tàu công suất lớn, đánh bắt hàng trăm tấn thủy sản mỗi năm, tạo thu nhập ổn định cho bạn thuyền với 15 - 20 triệu/người/tháng. Hầu hết ngư dân đều cho rằng: Nghề biển bây giờ khó khăn, vất vả hơn trước rất nhiều, vì số lượng tàu ngày càng đông, trong khi sản lượng thủy sản ngày càng giảm, không thể đánh bắt theo kiểu xưa cũ lạc hậu, “được chăng hay chớ”. Ngược lại, phải đầu tư học hành bài bản, cập nhật kiến thức, tiếp cận trang thiết bị hiện đại. Với tư duy này, những năm qua nhiều ngư dân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đóng tàu mới, đầu tư thiết bị dò cá hiện đại hàng tỷ đồng, mà điển hình là nhiều hộ đã mua được máy dò quét siêu chụp SIMRAD SU 93 do Nauy sản xuất, đây là yếu tố quan trọng tác động rất lớn đến hiệu quả khai thác.
Ngư dân Vĩnh Lợi đầu tư máy siêu chụp SIMRAD SU93 với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Ảnh: H.N.H
Ngư dân Vĩnh Lợi là một trong số ít nhóm ngư dân “chịu chi” cho nghề lưới vây ánh sáng, theo đó bà con đã sắm được 6 máy siêu chụp loại 7,2 tỷ đồng/chiếc và hàng chục chiếc máy với mức đầu tư từ 2,5 tỷ đồng đến hơn 4,3 tỷ đồng/chiếc. Thiết bị này giúp ngư dân bao quát được khu vực ngư trường rộng lớn, tìm đến luồng cá chính xác và lên phương án đánh bắt hiệu quả nhất.
Ngư dân Trần Thanh Dũng trải lòng: Dù vất vả, nhưng nghĩ về gia đình, về tương lai của các con, chúng tôi lại cố gắng. Biển không phụ lòng người, nhiều ngư dân đã xây dựng được những ngôi nhà khang trang, ngày càng có nhiều nhà cao tầng mọc lên, làng quê ngày càng trù phú, ấm no, ngư dân yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng lão ngư Nguyễn Văn Lương vẫn say mê, gắn bó với biển. Ông tâm sự: Tôi tin chắc rằng với xu thế khai thác hiện đại, ngư dân sẽ biết cách đánh bắt có chọn lọc để nuôi nguồn, giữ gìn tài nguyên cho đến các thế hệ mai sau. Khi ngư dân biết cách giữ biển thì nghề sẽ bền vững, tương lai còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Từ làng biển tiến lên phố biển
Ngư dân Vĩnh Lợi cần cù trên biển để trên bờ xóm làng ngày càng trù phú. Trên con đường bê tông dẫn vào làng, những ngôi nhà cao tầng mới mọc lên nơi từng một thời nghèo khó, vươn mình trong gió và cát như một nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên hòa quyện giữa biển xanh, mây trời.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông tại địa phương, minh chứng rõ nhất là Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống bờ kè dọc đầm Đề Gi thuộc làng Vĩnh Lợi, đặc biệt là tuyến đường ven biển ĐT 639 đi qua làng đã mở ra tương lai tươi sáng để Vĩnh Lợi phát triển mạnh mẽ, trở thành đô thị biển trong tương lai.
Một góc làng biển Vĩnh Lợi. Ảnh: H.N.H
Ông Huỳnh Văn Thương, Trưởng thôn Vĩnh Lợi 2, cho biết: Kinh tế chính của các hộ dân nơi đây là từ nghề biển. Nhờ biển mà làng mới phát triển như hôm nay, bà con mới có điều kiện lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn, cả làng hiện có hơn 500 người đang học tập, làm việc và sinh sống tại các tỉnh, thành trên khắp cả nước, hầu hết các cháu đều có trình độ đại học. Chỉ chừng mươi, mười lăm năm trước thôi, nếu ai nói ra điều này, hẳn nhiều người sẽ cho là viển vông, con ngư dân mà học đại học làm gì... Nhưng nay mọi sự đã khác!
Làng Vĩnh Lợi có hơn 90% hộ dân hành nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Nhờ thu nhập từ biển mà cuộc sống của bà con những năm gần đây thay đổi rõ rệt, khởi sắc, phát triển mạnh, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng lên, nhiều người ví von nơi đây như “phố biển”.
Ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, nói mà như khoe: Hồi giờ nói tới Vĩnh Lợi là nói tới nghề biển. Nhưng nay như thế là chưa đủ. Mấy năm gần đây mỗi mùa lễ hội Cầu ngư, bà con khắp nơi về đây tham quan rất đông. Hơn nữa Vĩnh Lợi được tạo hóa ban tặng vẻ đẹp tự nhiên quyến rũ với những bãi biển xanh mát, những đồi cát vàng lấp lánh, hùng vĩ nên ngày càng có nhiều du khách tìm về, đường sá thuận lợi nên tiếng lành đồn xa. Thời gian tới, ngoài phát triển kinh tế biển, địa phương sẽ kết hợp phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của làng biển Vĩnh Lợi để phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch biển. Xã Mỹ Thành đang phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại V trong năm 2025, trong đó Vĩnh Lợi được xem là “đầu tàu” để xã đạt được mục tiêu này.
HUỲNH NGỌC HIỀN