Hỗ trợ, giúp nhau nâng cao chất lượng cuộc sống
Thời gian qua, mô hình dịch vụ “Tổ liên kết nấu ăn, phục vụ đám tiệc” do Hội LHPN thành lập ở các địa phương trở thành nơi các chị em cùng cố gắng hỗ trợ nhau, giúp nhau cải thiện kinh tế gia đình.
Cùng cải thiện kinh tế gia đình
Thành lập năm 2018, sau thời gian hoạt động, Tổ liên kết nấu ăn, phục vụ đám tiệc Hằng Nga (ở xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn) do chị Nguyễn Thị Nga làm tổ trưởng có 21 thành viên, trong đó đa số là chị em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn của xã.
Theo chị Nguyễn Thị Nga, ban đầu số vốn hoạt động của Tổ là 100 triệu đồng do chị em trong Ban quản lý tổ đóng góp; Hội LHPN xã Nhơn Thọ tạo điều kiện cho vay thêm 20 triệu đồng để mua sắm thêm một số dụng cụ cần thiết. Sau đó, Hội LHPN xã tiếp tục tạo điều kiện giúp tổ được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đầu tư mua sắm, mở rộng quy mô của dịch vụ.
Hiện, cơ sở của Tổ liên kết nấu ăn, phục vụ đám tiệc Hằng Nga có sức chứa và phục vụ 1.000 lượt khách/ngày. Đồng thời, thu nhập của các thành viên cũng tăng từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng lên 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Mai Thị Danh (giữa) và các thành viên của Tổ liên kết nấu ăn, phục vụ đám tiệc Mai Danh. Ảnh: NVCC
Một ví dụ khác là Tổ liên kết nấu ăn, phục vụ đám tiệc Mai Danh (ở xã Nhơn Phong, TX An Nhơn) do Hội LHPN xã thành lập, tạo việc làm cho 25 lao động tại địa phương. Theo chị Mai Thị Danh, tổ trưởng Tổ liên kết, những tháng cao điểm, tổ phục vụ khoảng 10 tiệc cưới và nhiều tiệc khác. Thu nhập của các thành viên khoảng 250 nghìn đồng/người/tiệc...
“Đa số chị em tham gia Tổ liên kết đều thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, có một số chị em theo nghề trồng mai nhưng do nghề này đang gặp nhiều khó khăn, thị trường chững lại nên họ ngỏ ý tham gia tổ, để có thu nhập trang trải cho gia đình. Chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện chất lượng dịch vụ để tăng số lượng tiệc phục vụ, từ đó cùng giúp nhau cải thiện cuộc sống gia đình”, chị Danh tâm sự.
Tương tự, mô hình “Dịch vụ gia đình” Hạnh Tùng (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) do Hội LHPN huyện Tuy Phước thành lập đang góp phần tạo việc làm cho 30 lao động tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thu Hạnh, thành viên Ban chủ nhiệm mô hình cho biết: “Với những tiệc lớn, các chị em đều tham gia, trong đó phụ bếp thu nhập 300 nghìn đồng/người/tiệc, các chị em khác là 250 nghìn đồng/người/tiệc. Còn những đám tiệc nhỏ, cần ít người phục vụ, chúng tôi sẽ ưu tiên cho những chị em thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn để giúp các chị có công việc đều đặn, thu nhập ổn định”.
Nương tựa, chia sẻ buồn vui
Không chỉ giúp nhau cải thiện kinh tế gia đình, các tổ liên kết còn là nơi hỗ trợ, giúp đỡ nhau lúc ngặt nghèo. Bà Nguyễn Thị Thu Hạnh cho hay: “Với những người đặc biệt khó khăn, chúng tôi cố gắng trả công nhỉnh hơn những người còn lại. Đồng thời, các thành viên hay người thân của thành viên nào ốm đau, chúng tôi cũng nhiệt tình thăm hỏi, động viên, giúp nhau qua lúc khốn khó”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hạnh (thứ 3 từ trái qua) và một số chị em chuẩn bị bánh để phục vụ đám tiệc. Ảnh: T.K
Theo bà Lê Thị Xuân Lan, phụ bếp của mô hình “Dịch vụ gia đình” Hạnh Tùng, gia đình bà thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn, trước kia bà làm nghề đan nhựa giả mây nhưng chồng bà lại ốm đau dài ngày, thường xuyên phải đi điều trị ở TP Hồ Chí Minh nên rất khó nhận hàng về gia công. Nhờ công việc phụ bếp, cuộc sống gia đình bà cải thiện hơn. Bà còn được ưu tiên ngày công cao hơn, còn được chị em trong mô hình hỗ trợ xăng xe, chi phí đi lại mỗi lần đưa chồng đi điều trị bệnh.
Hay như lúc người thân của thành viên Tổ liên kết nấu ăn, phục vụ đám tiệc Hằng Nga không may qua đời do TNGT, các chị nhanh chóng chung tay quyên góp hỗ trợ 17,5 triệu đồng, động viên gia đình nguôi ngoai nỗi đau.
Theo bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Thọ, thời gian qua, thành viên của Tổ liên kết thực hiện rất tốt tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm với cộng đồng. Ngoài giúp đỡ nhau, các chị còn hỗ trợ nhiều trường hợp khác trên địa bàn. Như khi dịch Covid-19 bùng phát, thành viên của Tổ liên kết đều là những hội viên nòng cốt, tiêu biểu của Chi hội phụ nữ thôn Thọ Lộc 1 trong việc đi chợ, ủng hộ bánh tráng, mì tôm, nước uống, khẩu trang vải… cho các hộ dân bị cách ly tại nhà.
Không chỉ giúp đỡ nhau, Tổ liên kết ở các địa phương còn mở rộng phạm vi để tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Với những trường hợp ốm đau, khó khăn, chị Mai Thị Danh không ngần ngại vận động nhà hảo tâm hỗ trợ.
“Tôi nghĩ những lúc ốm đau, khó khăn, hẳn ai cũng cần động viên, hỗ trợ và một bàn tay để nắm lấy. Nhìn các cụ ông, cụ bà và những người đang bị bệnh tật dày vò mỉm cười khi nhận hỗ trợ, tôi rất ấm lòng”, chị Mai Thị Danh bày tỏ.
THẢO KHUY