Bảo vệ rừng hiệu quả nhờ giao khoán cho cộng đồng
Những năm qua, các huyện miền núi trong tỉnh đã đẩy mạnh việc giao khoán rừng cho người dân và cộng đồng dân cư bảo vệ. Việc giao khoán bảo vệ rừng đến từng thôn, hộ dân đã hạn chế được các vụ phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đồng thời người dân còn có thêm nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.
Nâng cao ý thức bảo vệ rừng
Thôn 1, xã An Toàn (huyện An Lão) là một điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng (BVR) của địa phương. Những cánh rừng đặc dụng nơi đây nhiều năm qua được người dân bảo vệ vẹn nguyên, không có tình trạng chặt, phá rừng trái phép, săn bắt động vật quý hiếm.
Gia đình anh Đinh Văn Nha (31 tuổi, dân tộc Bana) là một trong những hộ dân ở thôn 1 được Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn giao khoán bảo vệ 30 ha rừng từ năm 2020, với mức khoán 400 nghìn đồng/ha/năm.
Các hộ gia đình cùng Tổ Quản lý bảo vệ rừng, các cán bộ, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng thôn 1 (Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, huyện An Lão) đi tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: D.Đ
Anh Nha chia sẻ, vào ngày thứ Hai hằng tuần, anh cùng nhiều thành viên Tổ Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), Trạm QLBVR thôn 1 lại “khăn gói” lên đường đi tuần rừng. Mỗi lần đi kiểm tra, tổ của anh đều chú ý thật kỹ đến các dấu hiệu xâm hại rừng hoặc các nguy cơ cháy rừng. Nếu có vụ việc liên quan đến xâm hại rừng, tổ sẽ nhanh chóng báo cáo lên cấp trên để có biện pháp xử lý. “Từ khi nhận giao khoán BVR, gia đình tôi nhận khoản tiền 12 triệu đồng/năm, nhờ vậy có điều kiện chăm lo cuộc sống và mua thêm bò, dê phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo”, anh Nha nói.
Theo Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn Khiếu Đức Thịnh, hiện Ban đang quản lý hơn 25.197 ha rừng, trong đó diện tích đất rừng đặc dụng là 22.681 ha. Thời gian qua, Ban đã thực hiện giao khoán 7.013,5 ha rừng cho 264 hộ tham gia BVR ở thôn 1, 2 và 3 (xã An Toàn), với số tiền chi trả hơn 2,8 tỷ đồng.
Xã Vĩnh Hiệp là một trong những địa phương của huyện Vĩnh Thạnh có cộng đồng dân cư nhận khoán BVR từ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện. Năm 2020, Ban Quản lý các thôn Hà Ri, Thạnh Quang, Tờ Lék đã thành lập các Tổ QLBVR cộng đồng và đã giao khoán trên 14.646 ha rừng cho 257 hộ gia đình thành viên tham gia.
Ông Đinh Thìn, Tổ trưởng Tổ QLBVR thôn Hà Ri cho biết, thôn có 147 hộ tham gia nhận giao khoán BVR với tổng diện tích rừng trên 2.547 ha. Các tổ QLBVR đã xây dựng quy ước QLBVR, xây dựng kế hoạch, phân công các hộ dân tham gia tuần rừng, kiểm tra, phòng chống cháy rừng.
Ông Đinh Thái (50 tuổi, dân tộc Bana, ở thôn Hà Ri) cho hay: “Từ khi nhận giao khoán BVR, gia đình tôi cũng như nhiều người dân trong thôn phấn khởi vì vừa góp phần bảo vệ được tài nguyên rừng, vừa có thêm nguồn thu nhập ổn định. Đây là động lực rất lớn để người dân tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cũng như ý thức gìn giữ, BVR”.
Thúc đẩy phát triển rừng bền vững
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, giai đoạn 2021 - 2024, thực hiện Tiểu dự án 1 (Dự án 3) có 5 huyện, gồm: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân với 21 xã thuộc khu vực III có diện tích rừng. Qua đó, hỗ trợ khoán BVR tổng diện tích 290.758,7 lượt hécta, với 10.866 hộ gia đình và 158 cộng đồng tham gia nhận khoán, với tổng số tiền chi trả trên 119 tỷ đồng.
Cùng với đó, theo Nghị định số 58/2024/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, từ ngày 15.7.2024, mức khoán BVR bình quân hằng năm thực hiện theo Tiểu dự án 1 đã được nâng từ 400 nghìn đồng lên mức 500 - 600 nghìn đồng/ha/năm.
Ông Đinh Văn Tùng (ở làng Cát, xã Canh Liên, huyện Vân Canh) cho biết: Từ tháng 8.2024, gia đình tôi đã được nâng mức nhận khoán BVR lên 600 nghìn đồng/ha/năm. Đây là động lực lớn để chúng tôi yên tâm hơn với công việc giữ rừng. Sống nhờ rừng thì mình phải có ý thức BVR thật tốt, để rừng thực sự là chỗ dựa sinh kế cho gia đình.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Đức Sáu, để thực hiện hiệu quả công tác giao khoán BVR, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ gia đình, nhóm hộ, tổ chức nhận khoán; xây dựng các mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng, phát triển rừng mới; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Lâm nghiệp cho các hộ dân.
Mặt khác, hướng dẫn các cộng đồng xây dựng và thực hiện quy ước BVR của thôn, làng phù hợp với các quy định pháp luật; tiếp tục thực hiện hỗ trợ khoán BVR tại các xã khu vực II, III với diện tích khoảng 365 nghìn lượt hécta (trung bình 73.000 ha/năm) cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, người Kinh thuộc diện hộ nghèo, giúp cải thiện, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm bớt các tác động tiêu cực đến rừng.
DUY ÐĂNG